Việc nuôi thỏ giống rất quan trọng bởi nó đóng vai trò chính trong việc gây dựng đàn thỏ sau này có chất lượng thịt tốt hay không. Dưới đây những chia sẽ về kỹ thuật nuôi thỏ giống mà người nuôi có thể tham khảo cho mô hình chăn nuôi của mình.

Chọn giống thỏ phù hợp

Để có thể chăn nuôi thỏ hiệu quả đem lại lợi nhuận cao, thì ngay từ khâu chọn giống phải thật kỹ càng để chọn ra những con thỏ giống tốt nhất. Người nên lưu ý những điểm sau khi chọn những con thỏ để phối giống:

Chọn theo gia phả:

  • Nguồn gốc của thỏ phải rõ ràng, không có tình trạng cận huyết hay đồng huyết. Lý lịch của các thế hệ trước như ông bà, cha mẹ hoặc các thế hệ cùng thời của thỏ phải được ghi lại.

Chọn theo cá thể:

  • Tiêu chí chung của các cá thể thỏ được chon làm giống là phải khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt, ăn ngủ tốt, lanh lợi, ngoại hình đẹp và khỏe như vành tai sạch, không bị ghẻ, lông thỏ mịn, bụng mền, đuôi sạch sẽ và khô ráo, không bị dính phân ướt bởi tiêu chảy, phân thỏ nên có dạng viên tròn và khô.
  • Người nuôi lưu ý không chọn những con thỏ chậm chạp,ủ rũ, lông thỏ bị xù và ghẻ , tai thì cụp xuống, hơi thở nặng nề, bước đi không đều, hay nghiến răng, nước miếng chảy thành sợi…
  • Đối với con đực: Thì nên chọn những con to lớn, nhanh nhẹn, khỏe mạnh và hăng hái. Thỏ có vóc mình lớn, đầu to vừa phải và hai má hơi phình ra, ngực , mông và vai to, lưng thỏ rộng và chân sau to. Chân của thỏ không bị loét gan bàn chân. Quan trọng nhất là dương vật của thỏ hiện rõ, thẳng và có niêm mạc màu hồng nhật, không có hiện tượng lở loét hay bị vẩy rộp. Thỏ đực có khả năng giao phối tốt, phụ trách giao phối từ 5-6 con cái.
  • Đối với con cái: Thì nên chọn những con có lưng thẳng, chân khỏe và vững, có xương chậu rộng, mông nở nang, có khoảng từ 8-10 vú cân đối và có âm hộ hình hạt chanh, có màu hồng nhạt.

Hướng dẫn kỹ thuật cách nuôi con thỏ thịt thả vườn, sinh sản tốt

Người nuôi nên lưu ý lựa chọn mua thỏ giống tại các cơ sở uy tín và lâu năm. Tuyệt đối không mua những con thỏ giống được buôn bán trôi nổi tại chợ hay các cửa hàng chim thú bởi lai lịch của chúng không rõ ràng.

Một số giống thỏ phổ biến ở Việt Nam:

  • Thỏ Newzealand trắng: Giống thỏ có năng suất cao, khả năng thích nghi cao với các điều kiện khí hậu cho nên rất phù hợp với nuôi thả vườn. Con trưởng thành có thể nặng từ 4,5 – 5kg
  • Thỏ Californian: Giống thỏ này có chất lượng thịt cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao đối với người chăn nuôi. Con trưởng thành có thể nặng đến 4 – 4,5 kg, tỷ lệ xẻ thịt từ 55-58%.
  • Thỏ nhỏ Việt Nam: Giống thỏ này được du nhập từ Pháp và được lai tạo từ nhiều giống khác nhau. Thỏ nhỏ có dáng vóc nhỏ, nặng từ 2,6 – 3,2kg/ con.
  • Nhóm thỏ lai: Được lai tạo từ các dòng thỏ ngoại nhập với thỏ địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy chúng có màu sắc khá đa dạng. Đối với con trưởng thành nặng 2,2 – 2,4kg nuôi từ 4 -4,5 tháng là có thể lấy thịt được.

Phân biệt giới tính của thỏ

Phân biệt giới tính đối với thỏ trưởng thành khá dễ dàng, tuy nhiên đối với thỏ con thì hơi khó và dễ dẫn đến nhầm lẫn. Thỏ con đạt 3 tuần tuổi thì chỉ người có chuyên môn cao đánh giá thì mới nhận biết được con nào là con cái và ngược lại.

Đối thỏ hơn 4 tuần tuổi có thể nhận biết giới tính của chúng qua việc quan sát lỗ sinh dục. Để thỏ nằm ngửa, tay trái  giữ thỏ và sử dụng ngón tay của tay phải ấn nhẹ vào lỗ sinh dục, nếu thấy có các cục  thịt nhỏ hình trụ nhô lên khoảng 1mm, thì đó là cơ quan sinh dục của thỏ đực. Nếu là thỏ cái thì khi ấn tay vào lại thấy một rãnh nhỏ kéo dài về phía hậu môn.

Phối giống cho thỏ

Tuổi động dục của thỏ

Thỏ bắt đầu động dục và có khả năng sinh sản vào 5-6 tháng tuổi. Tuy nhiên, người nên lưu ý nên cho thỏ giao phối và sinh sản khi thỏ đạt 7-8 tháng tuổi thời điểm mà cơ quan sinh dục của thỏ đã thực sự hoàn thiện. Làm như vậy thỏ sẽ có thể lực tốt hơn khi sinh sản và thời gian sinh sản cũng kéo dài hơn.

Những biểu hiện động dục của thỏ cái

Thời gian động dục ở thỏ khá ngắn khoảng tầm 1 buổi nên người nuôi phải hết sức lưu ý vì nếu bỏ lỡ thì phải chờ đến kì động dục tiếp theo khoảng tầm nữa tháng.

Có hai cách để nhận biết thỏ có động dục hay không:

  • Theo dõi những hành động bất thường của thỏ: thỏ cái thường xuyên di chuyển, đứng ngồi không yên, bỗng nhiên chán ăn. Nhiều con còn có những biểu hiện dữ dội hơn như cắn phá máng ăn, máng nước uống, làm lộn xộn rơm rạ hay cỏ khô lót chuồng… Nếu như thỏ cái nằm ở tư thế chổng mông lên cao thì nó đã sẵn sằng giao phối với con đực.
  • Quan sát niêm mạc âm hộ thỏ cái: thông thường niêm mạc của chúng có màu hồng nhạt, tuy nhiên khi đến kỳ động dục thì sẽ chuyển sang màu đỏ tươi. Âm hộ sưng mọng và to hơn bình thường gấp hai lần, có dịch nhờn chảy ra từ bên trong.

Khi thỏ có những biểu hiện này cho thỏ phối giống với đực ngay thì khả năng thụ thai sẽ rất cao và âm hộ của thỏ cái sau khi giao phối xong sẽ có màu tím bầm. Trong trường hợp để qua sau 10 giờ không để thỏ phối giống thì phải chờ đến nữa tháng sau.

Cách phối giống cho thỏ:

Thời điểm thích hợp nhất để phối giống cho thỏ là vào chiều muộn hoặc sáng sớm. Hầu hết thỏ cái đều động dục vào thời điểm này.Thông thường vào sáng sớm từ chuồng thỏ sẽ phát ra những tiếng động lạ do thỏ cái cắn phá ổ và máng ăn liên tục, lúc này thỏ cái đang động dục và sẵn sàng phối giống. Cho thỏ phối giống ngay lúc này thì khả năng thụ thai rất cao.

Lúc này người nuôi nên bắt thỏ cái sang chuồng thỏ đực, tuy nhiên không nên làm ngược lại là bắt thỏ đực sang chuồng thỏ cái. Bởi đa số hầu hết thỏ đực có tính nhát gái, đặc biệt là những con phối giống ở lần đầu tiên. Và khi được thả vào chuồng thỏ cái, những con thỏ đực này sẽ còn nhát hơn nữa do lạ chuồng. Trong trường hợp, con cái đang động dục thì việc giao phối sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu con thỏ cái chưa tới kỳ động dục thì có khả năng cao nó sẽ cắn lại con đực, khiến thỏ đực hoảng sợ và nhát hơn cả ban đầu.

Khi thỏ đang phối giống, người nuôi nên đứng gần đó để quan sát để kiểm tra xem việc phối giống có diễn ra tốt hay không. Khoảng thời gian chờ không quá lâu, tầm 5-10 phút:

  • Trong trường hợp thỏ đực đang sung sức và thỏ sẵn sàng cho phối thì quá trình phối giống diễn ra khá nhanh khoảng tầm vài ba phút. Bởi thỏ cái lúc này gặp thỏ đực sẽ đứng yên một chỗ và đẩy mông lên cao cho con đực phối dễ dàng. Con đực vừa chồm lên người con cái chưa lâu đã té nghiêng sang một bên và con cái thét lên một tiếng thì việc phối giống coi như đã hoàn thành. Lúc này người nuôi nên bắt thỏ cái lại về chuồng của nó ngay.
  • Đối với những con cái có tính cách nhút nhát, mỗi lần bắt vào chuồng thỏ đực là chạy. Lúc này thỏ đực sẽ đuổi theo thỏ cái cho đến khi cả hai con đều thấm mệt. Sau đó, thỏ cái sẽ rút đầu hay nép mình vào một góc của chuồng và chổng mông lên cho đực giao phối.
  • Đối với thỏ cái chưa đến kỳ động dục hoặc đã qua giai đoạn đó thì lúc được thả vào chuồng thỏ đực. Chúng sẽ chạy khắp chuồng thỏ đực liên tục, nhất quyết không để thỏ đực lại gần để phối giống. Trong trường hợp này người nuôi nên bắt thỏ cái về lại chuồng của nó; vì nếu tiếp tục để thỏ cái ở chuồng thỏ đực, con cái sẽ quay sang cắn con đực.

Sau mỗi lần lên giống, con cái chỉ cần một lần phối giống là đã có thể mang thai. Trong trường hợp thỏ cái còn bồn chồn rạo rực sau khi phối giống thì nên để cho con cái phối thêm lần nữa. Chẳng hạn, thỏ giao phối lần đầu ở buổi sáng thì buổi kế tiếp nên là buổi chiều, 2 lần cách nhau khoảng 5-6 giờ, và ngược lại nếu lần trước phối vào buổi tối thì sáng sớm hôm sau cho thỏ phối lại lần nữa.   

Khoảng 10-12 ngày sau khi phối giống người nuôi có thể kiểm tra xem con cái có mang thai hay không bằng cách sau: dùng tay nắn vuốt nhẹ vào thành bụng ở xương chậu, gần cột sống, nếu có hòn cục nhỏ cỡ tầm đầu ngón tay cái (thai ở dạng mềm) di chuyển qua lại trong tử cung, có nghĩa là thỏ đã mang thai. Lưu ý, người nuôi nên phân biệt sự khác nhau của việc thỏ mang thai và viên phân cứng ở trực tràng gần vị trí đó.

Chuồng cho thỏ giống

Người dân lưu ý nên cho thỏ đực và thỏ cái ở riêng chuồng khi thỏ được 3 tháng tuổi. Và chỉ cho thỏ đực và cái ở chung một chuồng khi phối giống. Việc này sẽ hạn chế tình trạng thỏ cắn xé nhau hoặc tự do giao phối, khiến  khả năng sinh sản của thỏ bị giảm sút và thỏ con được sinh ra bởi những con cái còn nhỏ (4-5 tháng tuổi) sớm thường dễ mắc bệnh, khó nuôi.

Về cơ bản việc làm chuồng cho thỏ giống cũng tương tự như chuồng cho thỏ nuôi lấy thịt phải có những tiêu chí cơ bản sau đây.

Vị trí của chuồng thỏ cần đáp ứng yếu tố sau:

  • Thuận tiện cho việc quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng thỏ
  • Không quá gần khu dân cư và không gây ô nhiễm trường như đất, nước.
  • Vị trí xây dựng chuồng phải cao ráo, khô thoáng và có nhiều cây cối xung quanh để tạo bóng mát. Đồng thời, phải cách xa chuồng nuôi của các loài vật khác để tránh bị nhiễm bệnh do thỏ rất dễ bị nhiễm bệnh.

Có thể xây dựng chuồng thỏ từ những vật liệu như tre, nứa, gỗ hay gạch. Tuy nhiên chuồng phải đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Có sự phân ra khu vực chuồng thỏ đực và thỏ cái.
  • Thông thoáng, mát mẻ vào hè và không bị mưa tạt hay gió lùa vào mùa đông.
  • Chuồng đủ rộng cho thỏ có thể hoạt động thoải mái và không tác động xấu đến sức khỏe của thỏ.
  • Chuồng được xây dựng chắc chắn, dễ dàng cho việc dọn dẹp, vệ sinh và chăm sóc thỏ.
  • Đảm bảo sự an toàn của thỏ khỏi sự trước tấn công của các loài khác như chuột, mèo, cáo, chó…
  • Có đầy đủ máng thức ăn và máng nước uống cho cả đàn thỏ. Thường xuyên vệ sinh máng thức ăn và máng nước uống để hạn chế việc thỏ bị nhiễm các bệnh như tiêu hóa hay tiêu chảy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *