Việc chăm sóc nuôi dưỡng thỏ đẻ được chia làm 3 giai đoạn chính sau: giai đoạn mang thai, giai đoạn thỏ đẻ và sau khi thỏ đẻ. Dưới đây là những kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng thỏ đẻ mà người nuôi có thể tham khảo để áp dụng vào việc chăn nuôi của mình.

Giai đoạn thỏ mang thai

Thông thường thì thỏ mang thai kéo dài từ 28-32 ngày. Suốt thời gian này người nuôi nên tiến hành nuôi thỏ chửa ở lồng, chuồng riêng vì chúng khá bẳn tính, hay cắn nhau với những con khác dễ dẫn đến sảy thai hoặc động thai. Đối với thỏ đẻ lứa đầu thì có bụng khá nhỏ, đến tuần lễ cuối cùng của thai kỳ thì bụng mới do lên và thỏ mẹ di chuyển khá chậm chạp, nặng nhọc.

Bên cạnh việc nuôi thỏ trong yên tĩnh, người nuôi nên lưu ý đến thức ăn của thỏ phải đầy đủ dưỡng chất, giàu vitamin A, D, E và protein để nuôi thai. Thức ăn cho thỏ bao gồm: thức ăn viên và bổ sung thêm thức ăn xanh, các loại rau củ như rau lang, rau muống, thân và lá các cây thuộc họ đậu, các loại cỏ cao sản, củ cà rốt, củ khoai lang ta. Nếu người nuôi cho ăn theo bữa thì bữa tối là bữa chính của thỏ.

Trong thời gian thỏ mang thai thì nên hạn chế bắt thỏ ra khỏi chuồng để tránh động thai trừ khi tiêm thuốc cho thỏ. Mỗi khi tiêm, hạn chế bắt thỏ bằng nắm hai tai và xách thỏ lên vì như vậy sẽ khiến thỏ sợ hãi và giẫy giụa mạnh, làm động thai hoặc hư thai; tốt nhất là người nuôi nên dùng một tay nắm gáy thỏ lên, tay còn lại bợ phần mông của thỏ và mang ra khỏi chuồng để tiêm thuốc.

Hướng dẫn kỹ thuật cách nuôi con thỏ thịt thả vườn, sinh sản tốt

Giai đoạn thỏ đẻ con

Khoảng 1 tuần trước khi thỏ đẻ, chuồng của thỏ đẻ phải được dọn sạch sẽ, gọn gàng và đặt ổ đẻ vào góc chuồng. Bên trong ổ đẻ nên có lớp rơm mỏng hay cỏ khô sạch được lót sẵn, như vậy thỏ mẹ sẽ nằm êm ấm hơn. Cạnh ổ đẻ nên một máng nước để thỏ mẹ được uống thoải mái.

Biểu hiện của thỏ mẹ khi sắp sinh: khoảng từ một buổi đến một ngày, thỏ mẹ sẽ có dấu hiệu biếng ăn và dành nhiều thời gian đẻ lót ổ bằng cách mang thêm nhiều cỏ rác vào ổ. Tiếp đó là tự rứt lông ngực và bụng mình thành một nắm lớn để phủ ấm cho ổ. Thỏ mẹ tự đẻ được và đa phần đẻ rất dễ dàng, khoảng một giờ đã có thể đẻ xong một lứa; cho nên người nuôi không cần phải hỗ trợ cho thỏ đẻ quá nhiều. Tuy vậy, người nuôi không nên quá chủ quan và phải túc trực theo dõi để can thiệp ngay nếu hiện tượng thỏ mẹ ăn con non xảy ra hoặc giúp thỏ mở bọc ối để thỏ con không bị chết ngạt.

Nguyên nhân chủ yếu khiến thỏ ăn con thường là do thỏ mẹ khát nước cực độ. Khi vừa mới sinh xong thỏ mẹ sẽ rời ổ và tìm nước uống để giải khát; nếu tìm không thấy thỏ mẹ sẽ quay lại ổ và bày tỏ tình cảm với con mình bằng cách liếm khô lông của đàn con mình. Thỏ sơ sinh có da rất mỏng, lưỡi của thỏ mẹ thì khá ráp nhám có thể làm rách da của thỏ con. Máu của thỏ con càng tiết ra thì thỏ mẹ càng liếm và dẫn đến việc thỏ mẹ ăn con của mình. Vì vậy việc để thật nhiều nước uống bên cạnh ổ để cho thỏ mẹ là rất quan trọng.

Sau khi đẻ xong thỏ mẹ sẽ tiếp tục rứt một lông ngực và bụng để ủ ẩm cho con non. Đây chính là cách ngụy trang khéo léo để kẻ thù ở ngoài không nhận ra được đàn con.

Thường thì thỏ mẹ không hay nằm trong ủ ấm cho con non của nó mà hay nằm bên cạnh trông chừng và chỉ vào ổ khi cho con bú.

Bên cạnh đó, thỏ không hám con như các loài thú khác. Cho nên, người nuôi có thể đếm hay kiểm tra số lượng con non trong ổ. Và nên để ý nhặt những nhau thai mà thỏ mẹ không ăn hết và những con non bị chết. Cần phải rửa sạch tay trước khi kiểm tra, dọn dẹp ổ và công việc này nên thực hiện càng nhanh càng tốt.

Giai đoạn sau khi sinh

Sau khi sinh nên cho thỏ mẹ tiêm kháng sinh 3 ngày để phòng tránh việc thỏ mẹ bị viêm nhiễm sinh dục như viêm tử cung hay viêm vú. Người nuôi nên tiêm cho thỏ 1 trong số những kháng sinh sau đây: Forloxin với liều 1ml với thỏ có trọng lượng từ 8-10kg, ngày/ 3 lần, 3 ngày liên tục; hoặc Vime-Apracin với liều 1ml với thỏ có trọng lượng từ 5-7kg, ngày/ 3 lần, liên tục 3 ngày; hoặc Cetiket với liều 1ml với con nặng 10kg, ngày/ 3 lần, liên tục 3 ngày.

Bên cạnh đó người nuôi có thể bồi dưỡng thêm cho thỏ để thỏ mau lấy lại sức và tiếp tục sinh sản thêm những lứa mới. Người nuôi có thể tham khảo các sản phẩm sau với liều lượng xen kẽ nhau, 1 liều dưới da: Vime Canlamin với liều 1ml cho con nặng 5kg, hay Vime -ATP liều 0,5-1ml cho 1 con, Canxi-Magne với liều 0,5-1ml cho 1 con hay Vimekat với liều 1ml cho con nặng 5kg.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *