Khác với nuôi thỏ trưởng thành, thỏ con đòi hỏi công chăm sóc, nuôi dưỡng rất nhiều và người nuôi cũng cần trang bị những kiến thức và kỹ thuật cần thiết để việc chăm sóc, nuôi dưỡng thỏ đạt hiệu quả cao nhất.

Thỏ mẹ nên nuôi bao nhiêu con một lứa

Tùy vào độ tuổi mà thỏ mẹ có khả năng sinh từ 3-10 con. Nhưng cũng tùy vào tập tính nuôi con của thỏ mẹ khéo hay vụng mà thỏ con có phát triển đồng đều hay không. Tốt nhất chỉ nên để thỏ mẹ nuôi khoảng 5-6 con. Người nuôi có thể nhờ những ổ ít con nếu như thỏ mẹ có quá đông con.

Cách nhờ những ổ ít con

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng thỏ con rất quan trọng, người nuôi nên chuyển bớt thỏ con sang những ổ khác ít con hơn để nuôi nhờ. Nhưng việc này cần có kỹ thuật nhất định trong việc dồn thỏ con, nếu không thỏ mẹ sẽ phát hiện con lạ, từ đó cắn chết cả bầy. Nên chọn hai bầy thỏ có kích cỡ ngang nhau. Lúc tiến hành phải rửa sạch tay để không lưu mùi hôi lên thỏ, thực hiện vào ban đêm để thỏ mẹ không phát hiện. Để chắc chắn độ an toàn, người nuôi nên lưu ý đến hành động của thỏ mẹ để có những cách xử lý ngay lập tức.

Các giai đoạn phát triển của thỏ

Giai đoạn sơ sinh đến gần 1 tháng tuổi

Ngay khi thỏ con được sinh xong phải kiểm tra xem có bao nhiêu con, có con nào chết không và quan sát đàn con xem chúng có nằm tập trung với nhau không, có phủ lông ấm không. Trong trường hợp con non nằm phân tán thì nên để chúng nằm gọn vào một chỗ rồi lấy đồ lót phủ quanh thỏ con.

Khi thỏ con mới đẻ thì nhiệt độ tốt nhất nên là 30-32 độ C. Mỗi ngày cần phải kiểm tra ổ đẻ và con non, bỏ ra những phần lót ổ bị ẩm ướt. Tầm khoảng 1 tuần thì thay ổ lót hoàn toàn, đến tuần thứ 3 thì cho thỏ con ra ngoài lòng và bỏ ổ đẻ. Mùa đông thì cần đặt ổ đẻ ở những chỗ ấm áp, kín gió, đồng thời có thể đốt sưởi cho thỏ con để tránh bị chết cóng.

Nên cho thỏ mẹ vào ổ cho con bú một lần một ngày là đủ no. Vì có lúc thỏ mẹ vào ổ bới đàn con hoặc nằm trong ổ đi phân, làm bẩn ổ cũng như đồ lót ổ, hoặc có khi nhảy vào ổ do sợ hãi, vô tình đè hoặc dẫm lên con non khiến chúng mất yên tĩnh. Cho nên sau khi thỏ con sinh được 1 ngày thì đưa ổ đẻ đậy nắp kín ra khỏi chuồng của thỏ mẹ, hằng ngày vào buổi sáng sớm thì đưa ổ đẻ đã mở nắp vào để thỏ mẹ nhảy vào và cho con bú. Do đó, thỏ con bú rất chóng no và thỏ mẹ cũng thoải mái, ổ đẻ sạch sẽ, con non cũng ít bị nhiễm bệnh.

Đôi khi thỏ mẹ ăn con non hay không cho con bú bởi vì thỏ mẹ không có đủ sữa hoặc khát nước. Tình trạng hay xảy ra với những thỏ mẹ đẻ lứa đầu, nuôi con không khéo. Nhưng nếu thỏ mẹ ăn con lần thứ hai thì cần phải loại bỏ nó.

Mỗi ngày cần phải kiểm tra các con non kỹ lưỡng, quan sát xem chúng có bú no không nếu có con chết thì phải bỏ ra ngay. Nếu có thỏ con đói sữa thì phải tìm hiểu lí do (chẳng hạn như thỏ mẹ bị viêm vú hay thiếu sữa) và có giải pháp ngay, có thể cho con non bú nhờ thỏ mẹ khác và thỏ mẹ bị bệnh được điều trị ngay.

Hướng dẫn kỹ thuật cách nuôi con thỏ thịt thả vườn, sinh sản tốt

Thỏ con được 2 tuần tuổi lông bắt đầu mọc kín người, bắt đầu mở mắt và tập đi.

Thỏ con khoảng 18-21 ngày tuổi thì có thể ra ổ và biết ăn thức ăn với thỏ mẹ. Lúc này nên cần tập cho thỏ con làm quen với việc chuyển từ bú sữa sang ăn thức ăn cứng.

Đến 23-25 ngày tuổi, cơ thể của con thỏ con đã có thể  hấp thụ được 50% nhu cầu dinh dưỡng từ thức ăn của thỏ mẹ. Đến ngày 26 thì sữa của thỏ mẹ chỉ có thể cung cấp được khoảng 20-30% nhu cầu dinh dưỡng của thỏ con. Vì vậy, sau khi cho thỏ con ra ổ cần cẩn trọng lưu ý đến thỏ con bú mẹ và quan sát xem chúng ăn được bao nhiêu thức ăn để đáp ứng thêm tiêu chuẩn khẩu phần ăn cho thỏ mẹ cũng như thỏ con để tránh tình trạng chúng bị chết đói do thiếu ăn, suy dinh dưỡng.

Chỉ nên sử dụng thức ăn thô xanh như các loại rau lá cỏ non để con non tập ăn dần. Từ ngày 26 trở đi, thỏ con bú sữa mẹ ít dần và ăn nhiều thức ăn hơn. Bên cạnh đó, khẩu phần của thỏ mẹ cũng cần được tăng lên.

Giai đoạn cai sữa cho thỏ

Tùy thuộc vào khả năng chăm sóc của người nuôi và chế độ nuôi dưỡng mà lượng sữa của thỏ mẹ nhiều nhất từ ngày 15-21 của chu kỳ, sau đó giảm dần và đến ngày thứ 35-42 thì hết hẳn. Vì vậy, việc cai sữa có thể thực hiện khi thỏ con được 28-42 ngày tuổi. Khi đó, con non cũng đã ăn được thức ăn tinh và thô.

Việc cai nên được thực hiện sớm nếu thỏ mẹ đẻ dày (phối có thai sau khi vừa đẻ xong) hoặc bị nhiễm bệnh, yếu sức. Trong trường hợp, thỏ mẹ đẻ thưa, có nhiều sữa hay thỏ con sinh ra có thể chất yếu thì nên cai sữa muộn.

Những yếu tố tác động đến thỏ con trong quá trình cai sữa:

♦ Thỏ con dễ nhiễm bệnh vì chúng đã hết nguồn kháng sinh tự nhiên từ sữa mẹ cũng như sự bảo vệ của thỏ mẹ.

♦ Thỏ con dễ cảm thấy stress hơn vì thời điểm cai sữa trùng với thời điểm thay lông lần đầu tiên.

♦ Lúc cai sữa thỏ con thường phải được cân cá thể và vận chuyển sang chuồng, chỗ ở khác nên làm ảnh hưởng ít nhiều đến chúng.

♦ Thỏ con phải ăn thức ăn cứng hoàn toàn, hết sữa mẹ, sau khi cai sữa xong.

Tất cả những điều trên ảnh hưởng lên thỏ cùng một lúc khiến thỏ bị căng thẳng và làm giảm đi sức đề kháng của chúng. Cho nên nhiều thỏ con chết sau khi cai sữa.

Việc cai sữa thường được thực hiện bằng 3 phương pháp:

♦ Cai sữa truyền thống: đợi thỏ con đến tuổi cai sữa và đưa chúng đến chuồng mới để nuôi vỗ béo.

♦ Nuôi thỏ con một giai đoạn: lúc cai sữa, chuyển thỏ mẹ đi ngăn chuồng khác và vẫn để các con non ở chuồng của thỏ mẹ. Cách này hiệu quả hơn cách truyền thống ở trên.

♦ Nuôi thỏ con bán giai đoạn: chuyển thỏ mẹ sang chuồng khác và tiếp tục nuôi đàn con thêm 2-3 tuần, sau đó mới chuyển chúng sang chuồng khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *