Thức ăn của dê là gi?

Hiện nay việc chăn nuôi dê đang nhận được khá nhiều sự quan tâm từ phía bà con. Bởi nuôi dê đem lại nguồn thu nhập lớn, không cần đầu tư quá nhiều vào chi phí xây dựng chuồng trại, không cần tốn nhiều tiền để mua thức ăn. Một số gia đình khi nuôi dê với quy mô lớn lại không biết quy trình chất dinh dưỡng cần thiết được thể hiện qua thức ăn hằng ngày dễ dẫn đến nguồn vốn đầu tư nhiều nhưng không đem lại lợi nhuận cao. Với bất kỳ loại động vật nào nhu cầu dinh dưỡng cũng là một vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản và tạo ra sản phẩm như thịt, sữa. Với loài dê cũng vậy, cũng cần đảm bảo về chất dinh dưỡng. Sau đây, là một số các kiến thức về nguồn thức ăn mà chúng tôi thu thập được để phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi dê của bà con.

Thức ăn thô xanh:

Thức ăn thô xanh bao gồm tất cả các loại cây cỏ, cỏ voi, cành lá, rau củ, khoai lang, rau muống, các loại cây ăn quả như chuối, mít, cây so đũa, cây đậu công. Dê có thể ăn được 80 họ cây và 170 loại. Dê có khả năng tự ăn nên trong quá trình chăn thả bà con chỉ cần cung cấp thêm thức ăn tươi vào buổi chiều hàng ngày để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho dê. Ngoài ra, nếu khi thả dê ăn không được no thì thức ăn vào buổi chiều có thể cung cấp được năng lượng cho chúng.

Thức ăn thô khô:

Mới nghe cái tên thì biết thức ăn này là thức ăn khô, là những thức ăn từ cỏ, rau xanh được phơi khô, rơm rạ phơi khô. Đây là nguồn thức ăn dê thích nhất đối với loại dê nhốt chuồng. Bà con cần chuẩn bị thức ăn này để cung cấp đủ chất dinh dưỡng khi thời tiết mưa, lạnh, có tươi chậm phát triển. Ngoài ra, một số thức ăn phơi khô như cỏ khô, kẹo dâu còn góp phần ngăn ngừa các bệnh tiêu hóa, làm giảm các loại ký sinh trùng ký sinh trong cơ thể dê.

Các loại rau củ:

Trâu, bò chỉ ăn được các loài cây tươi và ăn cỏ, rơm khô thì dê được ví như một loài ăn tạp, chúng có thể ăn được các loại trái cây như chuối, mít và các loại củ quả như khoai lang, sắn, củ cà rốt. Chúng thích ăn là bởi những món này kích thích vị giác, tạo cảm giác mới lạ, ngon miệng nên dê rất thích ăn. Đặc biệt, các loại thức ăn này giúp dê bổ sung được một lượng khoáng chất và tinh bột vô cùng lớn. Bà con cần bổ sung thêm cho dê lượng thức ăn này hàng ngày để đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng của dê, giúp dê phát triển khỏe mạnh, giảm thiểu được bệnh tật xảy ra. Loại này giúp cung cấp nước và năng lượng cho dê nhưng cần hạn chế cho dê ăn củ sắn. Trong củ sắn có chứa rất nhiều axit HCN, có thể làm dê bị ngộ độc do ăn phải củ sắn chưa qua xử lý. Trước khi cho dê ăn củ sắn, bà con cần chế biến, xử lý sắn như rửa thật sạch, ngâm với nước muối hoặc cho dê ăn củ sắn được trồng để cho con người ăn như vậy mới đảm bảo được thức ăn được sạch.

Hướng dẫn kỹ thuật cách nuôi con dê thương phẩm, sinh sản tốt

Thức ăn hỗn hợp bổ sung dinh dưỡng:

Nguồn thức ăn này được chế biến từ sự kết hợp của nhiều loại thức ăn tinh, thô, nguyên liệu bổ sung giúp cung cấp năng lượng cho dê, tiêu hóa tốt. Để sản xuất ra loại thức ăn này bà con cần chuẩn bị một máy ép cám viên, thức ăn mình tự chế biến sẽ đảm bảo được độ an toàn sạch sẽ, tiết kiệm được một phần nào chi phí, tiết kiệm được thời gian. Nguyên liệu được chế biến như sau:

  • Cám ngô, cám gạo, bột mì chứa hàm lượng VCK từ 95-90%.
  • Đậu xanh nguyên hạt, bã đậu nành,.. bã khô chứa ít nước, đạm thô nhiều.
  • Mật, đường, các chế phẩm vi sinh.

Thức ăn bổ sung dinh dưỡng bao gồm bột cá, bột xương, bột cacbonat canxi, và đạm ure. Ngoài những thức ăn trên bà con cần cho dê ăn thức ăn ủ chua lấy thân mía, cây ngô ủ trong vòng 3 tuần, mỗi tuần cho dê ăn 1 lần. Thức ăn này sẽ giúp trọng lượng thịt và sữa của dê tăng nhanh hơn so với thức ăn thông thường.

Hướng dẫn kỹ thuật cách cho dê ăn

Có 2 cách chủ yếu để cho dê ăn, bà con cần lưu ý phải đảm bảo được hai phương thức cho ăn này:

Cho dê ăn tự nhiên trong quá trình chăn thả: dê rất thích chạy nhảy và vận động nhiều nên để đảm bảo dê không bị stress, mệt mỏi vì ở trong chuồng quá lâu, bà con cần cho dê đi ăn bên ngoài khoảng 5-6 tiếng/ ngày, thời gian thả là vào 13h hàng ngày. Mặc dù, thức ăn ngoài tự nhiên không nhiều nhưng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng lại cao hơn so với dê ở trong chuồng.

Cung cấp thức ăn cho dê: bà con cần chủ động trồng thêm cỏ, khoai lang, các loại rau củ mà dê hay ăn. Cần trang bị cho dê máng ăn, máng nước để cho thức ăn vào. Máng phải dài, chiều cao 30cm, đặt cách mặt đất 25cm để mối, kiến không vào đục phá và làm thức ăn bị bẩn. Mỗi lần cho ăn cần bỏ lượng thức ăn vừa đủ, nếu cỏ quá dài cần chặt ra thành từng khúc nhỏ để dê dễ ăn và không làm rơi vãi thức ăn ra bên ngoài chuồng.

 Khẩu phần ăn của dê:

Dê từ lúc mới sinh đến 1 tuần tuổi:

Dê khi mới sinh cần cho bú sữa mẹ ngay.Sau đó, vẫn tiếp tục cho dê uống. Trong giai đoạn  này là lúc sữa dê mẹ nhiều chất dinh dưỡng nhất. Cho dê bú sữa liên tục 3-4 lần/ ngày, khi mới sinh cơ thể dê còn yếu nên bà con cần đỡ dê con dậy và tập cho chúng bú sữa cho quen dần. Giai đoạn này sữa dê nhiều chất dinh dưỡng nhất giúp dê con khỏe mạnh và chống chọi được với các yếu tố bệnh tật. Sau khi sinh 4 ngày, cần cho dê uống sữa bằng bình, trang bị bình uống trong chuồng để giúp giảm được chi phí thuê nhân công cho dê uống sữa. Mỗi ngày cho dê uống 1,5 lít/ ngày. Bình sữa phải được vệ sinh thường xuyên. Giai đoạn này dê bú sữa mẹ và tập ăn nên không cần cho dê ăn quá nhiều thức ăn.

Dê từ 1 tuần -3 tháng tuổi:

Tiếp tục cho dê uống sữa đến 15 ngày sau khi sinh. Từ 15-45 ngày bà con có thể vắt sữa mẹ nhưng phải cần đảm bảo lượng sữa dê phải đạt được từ 450-600ml/ con /ngày. Từ 45-hết tháng thứ 3, cho dê uống sữa giảm lại, mỗi ngày 400ml/con/ngày. Giai đoạn này bắt đầu cho dê tập ăn một số thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, các loại cỏ non, bột ngô xay nghiền thành bột rồi nấu chín. Giai đoạn này nếu sữa mẹ không đủ nuôi con, thấy dê con còi cọc, chậm lớn bà con cần bổ sung thêm vitamin A, E, B, D, khoáng chất để dê đảm bảo được phát triển bình thường như các con dê khác. Trong giai đoạn này cần theo dõi sức khỏe của dê con để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cần thiết cho dê. Khẩu phần ăn trong giai đoạn này như sau:

♦ Dê 3 tuần tuổi trở: cho dê uống sữa: 450-600ml/ ngày.

♦ Từ 20-45 ngày: 30gr thức ăn tinh+ 0,5 kg cỏ non+ 500ml sữa.

♦ Tiếp theo đến hết tháng thứ 3: 400ml sữa+ 100gr thức ăn tinh+ 0,5kg cỏ non.

Dê từ 3- 10 tháng tuổi:

Trong giai đoạn này nên cho dê ăn nhiều thức ăn ủ chua, các loại rau củ quả, thức ăn thô xanh để giúp dê nhanh phát triển. Cho dê ăn theo khẩu phần 1kg thức ăn thô xanh+0,5kg rau, củ quả.

Dê lấy thịt:

Khẩu phần thức ăn trong giai đoạn này rất quan trọng. Đàn dê được nuôi lấy thịt đối với dê đực cần phải thiến giống từ lúc dê 3 tuần tuổi, tẩy giun sán theo định kỳ. Đối với dê nuôi lấy thịt chỉ nuôi trong vòng 3-5 tháng. Để dê có nhiều thịt và nhanh lớn bà con cần cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống và cần phải kết hợp đầy đủ các loại thức ăn với nhau. Khẩu phần cho dê ăn giai đoạn này là:thức ăn thô 5kg+ 0,5kg thức ăn tinh. Sau 1 ngày tiếp tục bổ sung thêm 0,5kg tinh bột như ngô, thóc để kích thích dê tăng quá trình tạo thịt.

Dê cái vắt sữa:

Yếu tố dinh dưỡng rất quan trọng đối với dê chuyên kiêm dụng lấy sữa hoặc chuyên hướng sữa. Bà con cần cho dê ăn các loại cỏ voi, lá mít, thức ăn thô. Bổ sung thêm vitamin A, B,E, khoáng chất, thức ăn tinh. Tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể và năng suất sữa bao nhiêu mà cho dê ăn cho phù hợp. Khẩu phần cho dê ăn: 1kg cỏ xanh+ 2kg lá cây tươi+1kg cỏ thô. Nếu dê cho sản lượng 2 lít/ ngày thì cần bổ sung thêm gấp đôi lượng thức ăn: 4kg cỏ xan+ 2kg cỏ thô+ 0,5kg thức ăn hỗn hợp.

Dê cái cạn sữa và đang có chữa:

Trong giai đoạn mang thai bà con cần cung cấp đủ dinh dưỡng, đặc biệt là vào 2 tháng cuối thai kỳ để giúp dê con được phát triển tốt, dê mẹ có nhiều sữa. Khẩu phần cho ăn: 5kg thức ăn thô xanh+ 0,5kg củ quả+ 0,5kg hỗn hợp.

Dê đực làm giống:

Đối với dê đực làm giống cần tách riêng sang chuồng nuôi khác. Khẩu phần cho dê ăn: 2kg rơm khô+ 2kg cỏ tươi+ 1kg cỏ khô+ 4 kg thức ăn thô xanh. Cứ cách một ngày bà con nên cho dê ăn 0,3kg thức ăn hỗn hợp. Trong giai đoạn phối giống, cần cho dê nhiều hơn lúc bình thường.

Dê hậu bị:

Trong giai đoạn này hạn chế cho dê ăn ngô, sắn tránh làm cho dê hậu bị tăng trọng nhanh, nhiều mỡ và làm giảm đi khả năng sinh sản. Khẩu phần ăn hợp lý: 3kg thức ăn thô+ 0,3kg thức ăn tinh+ 0,4kg rau củ quả.

Lưu ý khi kết hợp khẩu phần ăn

Mùa đông, nên bổ sung cho dê nhiều thức ăn khô để giữ ấm và cung cấp năng lượng.

Khi dê con trong giai đoạn tập ăn, thức ăn phải được nấu chín và nghiền nhỏ.

Không thay đổi khẩu phần ăn đột ngột dễ làm cho dê mắc bệnh tiêu chảy, cần cho dê ăn ít và từ từ liên tục trong 5 ngày để dê quen dần với thức ăn.

Đạm ure không dùng để pha nước uống và chỉ dùng cho dê trưởng thành.

Khẩu phần ăn đa dạng để dê có nhiều chất dinh dưỡng.

Cần bổ sung thêm khoáng chất và vitamin cho dê.

Trong giai đoạn dê bú sữa mẹ và chuyển sang nuôi hậu bị cần phải đảm bảo thức ăn sạch sẽ, chất lượng, an toàn để dê không mắc bệnh no hơi, chướng bụng, tiêu chảy. Bà con cần lưu ý nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *