Cách chọn thỏ giống
Chọn con giống là yếu tố rất quan trọng trong kỹ thuật nuôi thỏ. Con giống tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của đàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trường hợp chọn thỏ giống để lấy thịt thì nên chọn những con giống khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông dày mượt, mắt tinh anh, không có dị tật, lưng rộng, mông đùi nở nang, đầy đặn, chân và tai sạch sẽ, không có vẩy. Riêng đối với thỏ đực thì nên chọn loại có đầu, chân, tay to, khỏe, ngực nở nang, dương vật thẳng và tinh hoàn đều, không bị lép. Ngoài ra, nên xem xét lựa chọn dựa trên việc theo dõi các thế hệ trước của con giống.
Nên mua giống ở những cơ sở có uy tín, có nguồn gốc thỏ rõ ràng.
Chuẩn bị chuồng
Chuồng nuôi thỏ có thể là lồng hoặc chuồng sàn với những vật liệu khác nhau như tre, gỗ, thép, …. Chuồng thỏ phải được thiết kế, xây dựng đảm bảo thoáng mát, được vệ sinh sạch sẽ, tránh ẩm ướt. Chuồng được thiết kế chắc chắn, đảm bảo không bị gặm mòn, đồng thời phải đảm bảo thuận tiện trong việc chăm sóc, vệ sinh chuồng. Vị trí phải được đặt tách riêng với các loại vật nuôi khác, yên tĩnh. Chuồng phải nhẵn, phẳng, không để lộ các dấu đinh (vì có thể làm thỏ bị thương).
Hướng dẫn kỹ thuật cách nuôi con thỏ thịt thả vườn, sinh sản tốt
Quy cách chuồng: chuồng được chia thành nhiều dãy lồng với kích thước mỗi lồng là 90x60x45 cm. Mỗi lồng nuôi 1 con thỏ mẹ hoặc 5-6 con thỏ thương phẩm. Mỗi lồng phải có lỗ để thoát phân và nước tiểu. Đồng thời phải có máng thức ăn xanh, máng thức ăn tinh, máng nước uống riêng.
Mỗi lồng nên thiết kế phần đáy lồng có thể tháo lắp để thuận tiện trong việc vệ sinh và di chuyển.
Thức ăn cho thỏ
Nguồn thức ăn của thỏ được chia thành 2 loại chính:
Thức ăn tinh: là các loại thức ăn hỗ trợ như cám, ngũ cốc. Loại thức ăn này chiếm khoảng 15% trong khẩu phần ăn của thỏ.
Thức ăn xanh: là loại thức ăn chính của thỏ, nhiều chất xơ gồm cỏ, lá cây, rau củ. Thức ăn xanh phải đảm bảo sạch sẽ, tươi mới, không bị hư hỏng, ẩm mốc, lên men.
Cho thỏ ăn từ 2-3 lần/ngày. Khẩu phần ăn được điều chỉnh theo trọng lượng cơ thể của thỏ, trung bình lượng thức ăn một ngày tương đương 30-40% trọng lượng của thỏ.
Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ thức ăn thì người nuôi cũng cần cung cấp đầy đủ nước uống cho thỏ. Mặc dù thức ăn chính của thỏ là các loại thực phẩm chứa nhiều nước nhưng vẫn phải cung cấp thêm nước, tránh tình trạng để thỏ bị khát, đặc biệt là đối với thỏ đang mang thai hoặc cho con bú. Cung cấp đủ nước giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chất trong cơ thể, giúp thỏ mẹ tiết nhiều sữa. Phải thay nước hàng ngày cho thỏ hoặc có thể thiết kế nước tự động để thỏ dễ dàng uống khi khát.
Kỹ thuật chăm sóc thỏ
♦ Giai đoạn thỏ con (Từ 30-70 ngày tuổi): giai đoạn này chỉ tập ăn cho thỏ, chỉ cho thỏ ăn những loại thức ăn dễ tiêu hóa, giàu chất xơ và vitamin, để thỏ tập làm quen với thức ăn.
♦ Giai đoạn thỏ nhỡ (từ 70-90 ngày tuổi): giai đoạn này thỏ dần phát triển hoàn chỉnh hơn, do đó cần đa dạng và lượng thức ăn. Tuy nhiên, vẫn cần chú ý không nên cho thỏ ăn nhiều thức ăn dễ béo như cơm, cám, bắp, … vì sẽ dễ làm thỏ tích mỡ, khó tiêu hóa.
♦ Giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng (từ 90 -120 ngày tuổi, trước khi xuất chuồng): giai đoạn này cần cung cấp nhiều thức ăn cho thỏ để thỏ tăng trưởng nhanh, xuất chuồng. Thức ăn giai đoạn này cần đa dạng, giàu dinh dưỡng, đạm, tinh bột, tăng cường tỷ lệ thức ăn tinh liên tục để thỏ tăng trưởng nhanh. Thức ăn tinh thường cho thỏ ăn vào ban ngày, thức ăn thô cho ăn vào buổi tối.
Trong quá trình chăm sóc thỏ, phải cho thỏ ăn đúng giờ, đầy đủ chất. Phải đổi dạng thức ăn từ từ để hệ tiêu hóa của thỏ thích nghi dần dần với thức ăn mới.
Để đảm bảo thỏ nhanh lớn thì trong quá trình nuôi phải chú ý công tác phòng bệnh: vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo nguồn thức ăn, nước uống hợp vệ sinh, đảm bảo dụng cụ ăn uống của thỏ sạch sẽ, theo dõi thỏ thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh và chữa trị sớm.