Phong lan Long tu có 2 loại phổ biến đó là Long Tu Xuân và Long Tu Đá. Long Tu Xuân thì dễ trồng hơn Long Tu Đá và là một loại lan đẹp có mùi thơm dịu nhẹ. Tuy là một loài hoa có sức sống tốt và rất dễ trồng, tuy nhiên cũng cần phải nắm vững những kiến thức cơ bản về cách trồng, cách chăm sóc cũng như nắm rõ được đặc tính, môi trường sống, nhiệt độ và độ ẩm thích hợp mới có được một chậu lan long tu xuân đẹp.

Đặc điểm của lan Long Tu Xuân

Lan Long Tu Xuân còn được dân chơi lan còn thường gọi là Hoàng thảo long tu. Thân lan to tròn có đường kính từ 1,5 đến 2cm và mọc thành khóm. Lá lan khá dày và có chiều dài từ 8 đến 10cm, rộng từ 2-3cm, lá có hình dạng mũi mác thuôn nhọn và nhìn rất mọng nước. Hoa lan long tu xuân có màu tím nhạt hoặc màu trắng tùy loại, nếu thân màu tím sẽ cho hoa màu tím, thân màu trắng sẽ cho hoa màu trắng. Hoa có một mùi thơm dễ chiệu nên thường được chơi trong nhà, hoa nở và tàn trong vòng 15 ngày.

Kỹ thuật trồng lan Long Tu Xuân

Kỹ thuật chọn giống

Khi chọn giống chúng ta phải phân biệt được đâu là Long Tu Xuân, đâu là Long Tu Đá hoặc một số loại Long Tu khác trên thị trường để chọn được đúng loại lan mà mình muốn trồng. Cách chọn lan Long Tu Xuân cũng không khác gì mấy so với các dòng lan khác, khi chọn mua chúng ta nên nhìn thật kỹ từ phần thân, lá đến phần rễ giả hành. Một giả hành Long Tu Xuân làm giống chất lượng phải tươi tự nhiên, thân không bị tổn thương, giập nát hay có sâu bệnh. Phần rễ không quá ẩm ướt mà phải khô ráo đó là những giả hành được xem là chất lượng.

Kỹ thuật xử lý giống

Xử lý giống là một trong những bước vô cùng quan trọng không thể bỏ qua. Việc xử lý giống tốt là điều kiện để cây lan không bị sâu bệnh và phát triển tốt. Sau khi chọn được những giả hành Long Tu Xuân chất lượng chúng ta tách riêng từng giả hành ra, khi tách hết sức cẩn thận tránh làm tổn thương đến các mắt ngủ, khi tách nên dùng dao để tách chứ không nên dùng tay xé từng giả hành ra. Sau khi tách xong chúng ta dùng kéo cắt tỉa bỏ rễ chỉ chừa lại khoảng 2-3cm là đẹp.

Tiếp đến mọi người đem toàn bộ số giống mà mình vừa tách cũng như cắt tỉa xong ngâm vào dung dịch Physan 20 với tỉ lệ theo hướng dẫn trên bao bì khoảng 10 phút rồi vớt ra để ráo. Sau đó tiếp tục ngâm với chế phẩm Hùng Nguyễn khoảng nữa tiếng đến 1 tiếng là có thể mang đi ghép.

Chọn và xử lý giá thể

Về phần giá thể cho lan Long Tu Xuân mọi người có thể trồng trên bất cứ một loại giá thể nào theo sở thích của mình. Tuy nhiên khi ghép vào bảng dớn là phù hợp nhất vì dễ chăm và cây lan phát triển sung nhất. Những giá thể được ưu tiên trồng tiếp theo đó là gỗ, lũa hoặc trồng trong chậu.

Ở đây mình chọn ghép vào bảng dớn vì vậy trước khi ghép mọi người cần phải xử lý mầm bệnh trên bảng dớn bằng cách ngâm vào nước vôi trong pha loãng khoảng 10 đến 15 phút rồi vớt ra. Sau khi vớt ra chúng ta đem rửa sạch với nước nhiều lần đến khi thấy nước trong là được.

Thời điểm ghép thích hợp

Có rất nhiều người thường thắc mắc rằng thời điểm nào trong năm là trồng ghép lan thích hợp nhất. Tuy nhiên mọi người cần nắm được một điều rằng cứ khi nào giả hành rụng hết lá và bắt đầu nhú mầm non là thời điểm ghép thích hợp nhất. Theo tập tính của mỗi loại lan sẽ có những khoảng thời gian sớm muộn nhất định trong năm và nó thường giao động trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch.

Kỹ thuật ghép lan vào giá thể

Khi ghép lan vào giá thể mọi người nên ghép những giả hành cùng lứa với nhau để cây phát triển và cho hoa đồng đều giúp tạo nên một khóm lan đẹp. Dùng ghim hoặc dây rút cố định phần rễ vào bảng dớn chắc chắc, hướng những mầm non ra ngoài để đón ánh sáng và phát triển. Khi cố định cần hết sức cẩn thận tránh làm tổn thương giả hành, hạn chế dùng kim loại càng ít càng tốt.

Kỹ thuật chăm sóc lan Long Tu Xuân

Sau khi ghép xong mọi người đem treo dưới dàn lưới che Thái, tránh cho tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Lượng ánh sáng tiếp xúc thích hợp là khoảng 60-70%, với vùng khí hậu mát mẻ thì treo cách lưới khoảng 1m còn với những vùng thười tiết nắng nóng thì treo xa lưới hơn một chút.

Kỹ thuật bón phân

Lan mới trồng ghép chưa ra rễ nên chúng ta không vội bón phân cho cây. Thời điểm này chúng ta tiếp tục pha dung dịch Hùng Nguyễn và tưới 1 tuần 1 lần. Không nên lam dụng Autonik vì về sau sẽ không tốt cho cây. Với chế phẩm Hùng Nguyễn chúng ta phun đến khi nào thấy rễ non phát triển khỏe mạnh thì ngưng lại.

Khi rễ của mầm non phát triển và dài ra khoảng 5cm là lúc bắt đầu bón phân chì tan chậm và cứ 15 ngày phun thêm trung lượng với vi lượng 1 lần. Lan được tầm 7-8 tháng tuổi phu 6-30-30 TE khoảng 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày.

Khi cây được 9 tháng tuổi ngưng tưới nước hoàn toàn để cây lan rụng lá và thắt ngọn, cứ để như vậy cho đến khoảng 11 tháng tuổi, lúc này những mầm non có thể đã nhú lên cũng là lúc tưới đẫm nước cho lan và chờ ra hoa. Sau khoảng tầm nữa tháng sẽ xuất hiện nụ hoa, khi xuất hiện nụ hoa nếu như nụ lớn thì hạn chế tưới nước và để trong mát. Còn nếu nụ hoa bé thì đem phơi sáng và tưới thêm nước.

Cách phòng trừ sâu bệnh

Để cây lan không bị ảnh hưởng từ các mầm bệnh gây hại từ môi trường chúng ta cần sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây.

Một số loại thuốc trừ nấm như: Ridomilgold, Aliette,..

Một số loại thuốc vi khuẩn có thể dùng như: Kasumin, Poner, Physan,..

Với các loại nấm và vi khuẩn mọi người pha chung và phun nữa tháng đến 20 ngày một lần. Thời tiết ẩm ướt thì 1 tuần phun 1 lần.

Đối với một số loại mầm bệnh gây hại như: Nhện đỏ, bọ trĩ, rệp,.. cứ 20 ngày mọi người phun 1 lần Movento và Pesieu.

Trên đây là toàn bộ thông tin về lan Long Tu Xuân cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc. Đọc qua thì mọi người thấy rất nhiều kiến thức tưởng chừng như rất khó thực hiện tuy nhiên đọc kỹ và nắm được từng bước cơ bản thì mọi thứ cũng dễ dàng thôi. Chúc mọi người thành công và có những giò lan Long Tu Xuân như ý muốn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *