Đặc điểm lan Hoàng Nhạn tháng 4

Lan Hoàng Nhạn chia làm 2 loại đó là Hoàng Nhạn tháng 4 và Hoàng Nhạn tháng 8. Về những đặc điểm cơ bản như hình dáng, thân, rễ lá thì không có gì khác biệt lắm. Chỉ có một điểm khác biệt đó là Hoàng Nhạn tháng 4 cho hoa vào tháng 4 còn Hoàng Nhạn tháng 8 cho hoa vào tháng 8.

Chi tiết về Hoàng Nhạn tháng 4 thì đây là một loại lan giáng hương đẹp về cả hình dáng lẫn hoa. Rễ thuộc dạng rễ gió nên có kích thước khá to và thòng trong không khí để hút ẩm, rễ chính mọc ra từ nách bẹ lá và thân to gần bằng đầu chiếc đũa con sau đó phân ra thành nhiều rễ con. Thân rễ có màu trắng, ở phần đầu rễ có màu xanh tím.

Thân Hoàng Nhạn tháng 4 là loại thân đơn có đường kính từ 1-1,5cm, thân cây màu xanh đậm, đôi lúc có những đốm tím. Thân cây có 2 loại phụ thuộc vào sự sắp xếp của lá đó là thân thẳng và thân zích zắc. Về phần lá thì lá không quá dài, có kích thước dài từ 10cm đến 15cm và rộng khoảng 3cm, lá có màu xanh đậm và có rãnh phân chia thành hai nữa trên một lá. Tùy vào lượng ánh sáng mà cây tiếp xúc mà lá có màu sắc xanh đến ngã vàng khác nhau.

Hoa Hoàng Nhạn tháng 4 thường nở vào khoảng tháng 4 đến tháng 5 dương lịch. Hoa mọc thành chùm trên cuống hoa, mỗi cuống hoa có chiều dài khoảng 20cm, đường kính khoảng 10cm. Mỗi bông hoa có đường kính từ 3-5cm. Hoa có loại màu cánh vàng họng tím, có loại màu vàng trơn. Hoa có một mùi thơm dịu rất dễ chịu. Hoa thường nở và tàn trong vòng 1 tuần lễ, nếu để cây lan trong môi trường mát mẻ và độ ẩm thích hợp thì hoa có thể kéo dài đến 10 hoặc 15 ngày.

Kỹ thuật trồng lan Hoàng Nhạn tháng 4

Kỹ thuật chọn giống

Nếu có cây mẹ thì chúng ta tách giống cây con từ cây mẹ hoặc mua giống trên thị trường. Khi mua giống phải quan sát những cây nào tươi tôt tự nhiên, không bị dập hoặc tổn thương ở phần thân. Đồng thời kiểm tra xem cây có ẩn chứa mầm bệnh gì không.

Lưu ý khi tách cây con từ cây mẹ đó là trước khi tách mọi người nên tưới nước để rễ và gốc được mềm khi đó tách sẽ dễ hơn và hạn chế được việc tổn thương cây con cũng như cây mẹ.

Kỹ thuật xử lý giống

Để đảm bảo giống cây sau này được phát triển tốt cần phải xử lý một số công đoạn sau:

Cắt bỏ những phần rễ dài và những phần rễ bị tổn thương nặng, dùng vôi để khử trùng những vết cắt tránh được tác hại của mầm bệnh.

Sau đó đem ngâm với chế phẩm kích thích mọc rễ khoảng 15 phút rồi đem treo ngược phần gốc lên trên ở nơi có ánh sáng vừa phải. Mục đích của việc treo ngược này là để nước ở những kẽ lá được rút hết và khô ráo để cây hạn chế được mầm bệnh cũng như bị hư thối.

Chọn và xử lý giá thể trồng

Lan Hoàng Nhạn tháng 4 có thể sống tốt trên các loại giá thể như gỗ, lũa hoặc trồng thuần trong chậu đều được. Vì vậy việc chọn giá thể ở đây là theo sở thích của mỗi người chơi, thích giá thể nào thì chúng ta chọn giá thể đó. Việc cần lưu ý là phải xử lý sạch sẽ các mầm bệnh và khử khuẩn giá thể trước khi ghép.

Kỹ thuật ghép lan

Khi chọn giá thể gỗ hoặc lũa để cấy ghép lan cần chuẩn bị gim bấm hoặc dây buộc để cố định gốc lan vào giá thể. Chọn vị trí thích hợp trên bảng gỗ hoặc lũa rồi đưa gốc lan vào, khi đưa vào phải theo thế của những phần rễ cây để phần gốc được gần với giá thể nhất. Thân cây hướng lên trên và chếch ra ngoài một góc nhẹ để đón ánh sáng và phát triển. Hạn chế sử dụng quá nhiều gim và kim loại trong quá trình ghép lan.

Khi chọn giá thể trong chậu chúng ta cho vào chậu khoảng ¾ giá thể đá bọt, vỏ thông vào bên dưới sau đó đặt cố định gốc lan lên trên, những phần rễ dài mọi người luồn qua lỗ chậu. Dùng kẹp hoặc dây rút để cố định, không nên dùng kẽm, nếu dùng kẽm phải có lớp vỏ bọc kẽm bên ngoài( vì khi rễ lan phát triển gặp kim loại sẽ bị bụi ngay). Sau khi cố định xong chúng ta cho thêm một ít dớn vụn và vỏ thông vụn lên trên để giữ ẩm là được.

Kỹ thuật chăm sóc lan Hoàng Nhạn tháng 4

Độ ẩm

Như mọi người cũng đã biết lan Hoàng Nhạn là một giống lan ưa ẩm vì vậy cần phải giữ ẩm thường xuyên cho cây. Độ ẩm thích hợp để cây phát triển đó là từ 70-80%, dó đó chúng ta nên tưới cho cây một ngày từ 1 đến 2 lần và mỗi buổi sáng sớm và chiều tối là thích hợp. Nếu đến lúc tưới mà thấy gốc lan vẫn còn ẩm thì không cân tưới mà để sang lần tưới sau hãy tưới.

Nhiệt độ

Với Hoàng Nhạn tháng 4 không yêu cầu quá nhiều ánh sáng. Lượng ánh sáng thích hợp là từ 30 đến 50% để cây phát triển đảm bảo. Vì thế cần treo cây ở vị trí thích hợp để đảm bảo lượng sáng cho cây.

Bón phân

Khi bộ rễ của cây phát triển cũng chính là lúc cung cấp nguồn phân bón cho cây hấp thhu và phát triển. Phân tan chậm là một loại phân tối ưu và tiết kiệm thời gian bón. Ngoài ra mọi người kết hợp thêm phân bón qua lá và những loại phân khác. Trời mưa thì không cần bón vì trong nước mưa cũng mang những chất dinh dưỡng cho cây lan.

Phòng sâu bệnh hại

Sâu bệnh hại gồm có các loại côn trùng cắn phá như rệp đỏ, bọ xít,.. và các loại nấm bệnh sinh sôi nảy nở khi thời tiết ẩm ướt. Để phòng những con côn trùng này cũng như các loại vi khuẩn gây hại chúng ta nên phun nữa tháng đến 20 ngày một lần thuốc diệt côn trùng và gây bệnh cho lan. Vào những ngày mưa nhiều thì những mầm bệnh này phát triển rất nhanh và nguy hiểm nên có thể rút ngắn thười gian phun xuống 1 tuần 1 lần.

Để kích hoa chúng ta hạn chế tưới nước và phun kích hoa cho cây, đến khi vòi hoa phát triển mới bắt đầu tưới lại và đảm bảo độ ẩm cho hoa phát triển. Để giữ cho hoa Hoàng Nhạn được lâu hơn cần tránh cho cây tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng, không để cây mắc mưa, khi tưới thì không nên tưới lên hoa.

Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến quá trình trồng, chăm sóc và phát triển của một cây lan Hoàng Nhạn tháng 4. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với những ai đang tìm tòi, đam mê và muốn sở hữu một giò lan Hoàng Nhạn tháng 4 đẹp. Chúc mọi người thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *