Đặc điểm của lan kiều tím

Lan Kiều Tím là một trong nhiều loài lan được đánh giá cao ở Việt Nam. Do vậy lan Kiều tím thường trở thành những món quà tặng ý nghĩa cho nhiều người. Lan Kiều tím có đặc điểm lá dày, có màu xanh đậm và rất cứng, hình dáng lá thuôn nhọn và có sức sống mạnh mẽ, lá có chiều dài từ 9-11cm và rộng từ 5-7cm. Thân lan Kiều tím có màu xanh đậm, dài từ 30 – 70 cm, thân tròn và cứng, dọc theo thân có nhiều rãnh nhỏ.

Lan Kiều Tím có chiều dài từ 20 đến 25cm và mọc thành chùm rất đẹp mắt. Một chùm hoa có đường kính từ 10 đến 15cm tùy vào người chăm. Cánh hoa hình bầu dục có màu tím, môi hình tròn được điểm màu cam nổi bật cùng với đó là một viền trắng nhẹ. Mùa hoa Kiều tím nở chủ yếu là vào hè, hoa cho mùi hương nhẹ rất đặc trưng và dễ chịu.

Để có được một chậu lan Kiều tím phát triển tốt và cho hoa đẹp cần trải qua một quá trình dài từ khâu chọn giống dến trồng và chăm sóc như thế nào. Sau đây là một số kinh nghiệm, kĩ thuật trồng và chăm sóc lan Kiều Tím mời bạn đọc tham khảo.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc lan Kiều Tím

Lan Kiều Tím nói riêng và các loại lan nói chung đều cần một độ ẩm thích hợp cho quá trình phát triển của mình. Chúng ta có thể sử dụng giá thể gỗ lũa, bảng dớn hoặc trồng trong chậu sành. Việc chọn trồng trong chậu là một lựa chọn tối ưu nhất giúp giữ được độ ẩm cho cây phát triển.

Kỹ thuật chọn và xử lý giống

Chọn giống lưu ý chọn loại tươi tự nhiên, bộ rễ không ẩm ướt quá nhiều vì như vậy khi trồng tỉ lệ sống không cao. Thân lan không giập nát và có ẩn chứa nấm bệnh. Sau khi tuyển chọn được những giả hành Kiều Tím tốt nhất chúng ta mang về cắt bỏ hết phần rễ già đi, chừa lại khoảng 2cm là vừa đẹp, vì những rễ già sẽ không phát triển nữa và không giúp cây hút chất dinh dưỡng. Sau đó đem ngâm vào nước vôi trong để trừ khử các nấm bệnh gây hại. Ngâm nước vôi xong vớt ra để ráo rồi tiếp tục ngâm với dung dịch thuốc kích rễ kích mầm Atonick +B1 + N3M + Ridomil theo đúng tỉ lệ hướng dẫn trên bao bì.

Chuẩn bị và xử lý giá thể

Giá thể là một cái tên quen thuộc với những ai đam mê lan. Giá thể là nơi để cây lan bám vào và sinh sống trên đó, mỗi loại giá thể có ưu và nhược điểm riêng và phù hợp cho những loại lan khác nhau. Khâu xử lý giá thể vô cùng quan trọng, nó giúp chọn đúng giá thể phù hợp và tiêu diệt những mầm bệnh gây hại cho lan.

Đặc biệt đối với các loại giá thể ẩn chứa nhiều mầm bệnh như dớn, xơ dừa,.. trước khi ghép vào lan cần phải ngâm qua nước vôi và rửa lại sạch sẽ.

Đối với lan Kiều Tím anh em muốn ghép vào đâu thì chuẩn bị giá thể đó, có thể trồng trong chậu hoặc trên gỗ lũa,.. và lưu ý nhớ xử lý những loại giá thể có nguy cơ ẩn chứa mầm bệnh trước khi sử dụng ghép lan.

Tiến hành ghép lan Kiều Tím vào giá thể

Sau khi chuẩn bị giống và giá thể chúng ta tiến hành ghép lan Kiều Tím như sau:

Đối với trồng ghép trong chậu chúng ta buộc một thanh kẽm hoặc tre ở giữa để cố định gốc lan lại được chắc chắn và không bị lung lay. Sau đó cho một ít giá thể vào chậu, khoảng 2/3 chậu là được, tiếp đến chúng ta đặt giả hành lan vào sao cho đúng hướng và đúng thế rồi dùng kẹp cố định lại. Cố định xong cho thêm giá thể vào vừa đến phần gốc lan là được. Khi cắt bỏ các phần giả hành bị dập nhớ bôi thuốc liền sẹo để giúp cây liền sẹo nhanh và khử trùng cho cây.

Đối với việc ghép vào giá thể gỗ, lũa,.. mọi người dùng súng bắn đinh, hoặc khoan lỗ buộc dây để cố định giá thể, khi ghép hướng phần ngọn ra ngoài sao cho đúng thế và để cây hấp thu ánh sáng phát triển. Khi cố định nên sử dụng những miếng cao su hoặc xơ dừa lót vào để tránh làm tổn thương phần gốc lan cũng như giả hành của lan Kiều Tím.

Kỹ thuật chăm sóc lan Kiều Tím

Để cho lan Kiều Tím phát triển tốt và ra hoa đẹp cần phải có kỹ thuật chăm sóc đúng và khoa học.

Phần giàn treo lan không nên thiết kế quá cao cũng như quá thấp. Luôn đảm bảo độ ẩm thích hợp cho lan, không quá thấp cũng không quá cao, nếu độ ẩm cao sẽ dễ sinh mầm bệnh không tốt cho cây.

Tưới nước cho lan nên tưới vào buổi sáng sớm và chiều tối, tránh tưới lúc cây đang chịu nhiệt độ cao từ môi trường sẽ làm cây có nguy cơ bị chết.

Khi rễ lan bắt đầu phát triển và hút chất dinh dưỡng chúng ta bắt đầu bón phân cho cây. Tùy vào độ tuổi và thời điểm phát triển mà chọn loại phân phù hợp cũng như bón đúng đủ hàm lượng.

Trong một giàn lan nếu có cây bị bệnh chúng ta nên đem tách chúng ra một nơi khác để tránh lây lan cho những cây còn lại. Sử dụng thuốc diệt sâu bọ phun định kỳ để tiêu diệt các loại côn trùng và nấm bệnh gây hại.

Hy vọng với những thông tin này có thể giúp ích được cho những ai đam mê lan và đặc biệt là muốn tìm hiểu cách trồng và chăm sóc lan Kiều Tím này nắm được những thông tin bổ ích và tạo ra cho mình những ky lan Kiều đẹp mắt nhất. Chúc các bạn thành công.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *