Sau Tết, cây mai được hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt: được bón phân thức đầy đủ, hay được thay hoàn toàn đất phân mới (sang chậu) và, nhất là được đặt trong bóng râm một thời gian để dưỡng sức, tức đã có điều kiện để sinh trưởng tốt sau này. Tuy vậy, từ đây trở đi, từ đây đến những tháng giáp Tết, cây mai kiểng vẫn cần được tiếp tục chăm sóc. Có điều, việc chăm sóc trong giai đoạn này không đòi hỏi thường xuyên, trừ việc tưới nước trong mùa nắng hạn, và cũng không chiếm mất nhiều thời gian.

Tưới nước cho cây mai

Do bản tính của cây mai thích hợp với ánh nắng trực tiếp, càng trồng vào nơi quang đãng không có bóng cây che rợp mai càng phát triển tốt, lại ít bị sâu rầy phá hại. Nhưng trồng ngoài nắng, cây càng đòi hỏi có nước tưới đầy đủ để bù vào lượng nước bị bốc hơi từ thân lá đến đất trồng trong chậu. Do đó, những vùng thiếu nguồn nước tưới tốt không thể trồng mai được. Bằng chứng cho thấy không phải ở tỉnh thành nào khắp nước ta cũng có thể trồng mai cho kết quả tốt như nhau. Các vùng trồng mai được đánh giá là tốt nhất phải kể đến quận Gò Vấp (thành phố Hồ Chí Minh), Cái Mơn (tỉnh Bến Tre), Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp)…

Sau đó mới kể đến Thủ Đức, Phú Nhuận, Củ Chi ở thành phố Hồ Chí Minh, và nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ, An Giang… Đây là những vùng có nguồn nước tưới tốt thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây mai và hàng trăm loại hoa kiểng khác.

Về vấn đề này, hằng trăm năm trước, nhiều nghệ nhân hoa kiểng lâu năm đã dồn hết tâm lực tìm hiểu nhưng vẫn không tìm ra được nguyên nhân tại sao cây mai và các giống hoa khác trồng tại Gò Vấp, hay Cái Mơn, Sa Đéc lại tốt tươi hơn các nơi khác. Kinh nghiệm tưới bón chăng? Kinh nghiệm trộn phân tro chăng? Kinh nghiệm ương trồng cây giống chăng?… Mãi về sau này, khoảng giữa thế kỷ 20 mọi người mới vỡ lẽ ra là những vùng vừa kể có sẵn nguồn nước ngọt tưới cây rất tốt. Tại những vùng đất đó, không những cây kiểng mà các giống cây trái và cả hoa màu đều trồng tốt hơn các vùng khác.

Trở lại vấn đề tưới nước cho cây mai kiểng, ta thấy cây mai có nhu cầu được tưới nước hằng ngày, trong mùa nắng. Có thể tưới hai lần sáng, chiều, hay tưới một lần trong ngày cũng được. Mùa mưa, công tưới không nhiều, vì chỉ những ngày không mưa lại nắng nóng mới cần tưới một lượng nước vừa phải để giúp đất trong chậu đủ ẩm là được.

Việc tưới nước cho cây mai cũng như các giống kiểng trồng chậu khác đôi khi có tác dụng như sử dụng con dao hai lưỡi: tưới ít nước quá cây sẽ không có đủ độ ẩm cần thiết để sinh trưởng (có khi còn bị chết khô nếu ngưng tưới lâu ngày). Thế nhưng, tưới nước quá nhiều cũng không phải là điều hay. Vì tiếp nhận lượng nước tưới quá nhiều nước sẽ rút không khí có trong đất trồng và thường làm úng rễ, thối rễ. Khi bộ rễ bị thúi thì tán lá bên trên sẽ có triệu chứng úa vàng và cây đó bị chết dần mòn. Đó là chưa nói đến một tai họa khác mà cây được tưới nhiều nước gặp phải là bộ rễ bị nhiều loại nấm mốc tấn công…

Vậy thì tưới nước cho cây mai như thế nào mới gọi là đúng phương pháp?

Với mại trồng thẳng ngoài đất vườn hay mai trồng trong chậu lớn, lượng nước tưới cho mỗi lần cần nhiều hơn là mai trồng trong chậu có dung tích nhỏ. Tưới nước theo nhiều hình thức: tưới bằng gáo, bằng gàu, bằng ống dẫn cao su, nhưng cách tưới nước tốt nhất là dùng bình tưới hoa sen tạo ra nhiều tia nước nhỏ làm thấm đều trên mặt đất chậu và ngấm dần xuống tận đáy.

Với cách tưới này, khi ta thấy lượng nước thừa bắt đầu thoát ra khỏi lỗ thoát nước đáy chậu thì nên ngưng tưới vì khối đất trong chậu đã ẩm đều. Tốt nhất là chờ mươi lăm phút sau, ta tưới lại một lần nữa. Đ Vào mùa nắng hạn ta nên tưới nước cho cây mai hai cữ sáng và chiều.

Cữ sáng cần tưới vào lúc sáng sớm, và tưới đẫm, nhờ đó mà đất chậu mới không bị khô trước cái nóng gay gắt của buổi trưa và xế trưa.

Cữ chiều cần tưới vào lúc chiều hôm. Tuy giờ này đãcmát trời nhưng vẫn được coi là cữ tưới chính. Vì vào giờ này cây mới hút nước được nhiều hơn. Nên tưới từ trên tán lá xuống để lá hấp thu được lượng nước đã bốc hơi trong ngày.

Vào mùa mưa, chỉ những ngày nắng gắt mới tưới nước cho cây mai, và nên tưới vào cữ trưa mà thôi.

Bài trừ cỏ dại cho cây mai

Ai cũng biết cỏ dại là kẻ thù của các nhà trồng tỉa nói chung, và người trồng hoa kiểng, trong đó có cây mai nói riêng. Vì cỏ dại tranh ăn chất dinh dưỡng được bón vào đất trồng với cây kiểng.

Cỏ dại vốn là vị khách không mời mà đến, lại xuất hiện thường xuyên, nhổ bỏ lớp này lại hiện ra lớp khác không sao trừ tuyệt nổi.

Vậy, cỏ dại từ đâu mà có?

Cỏ dại do bột cỏ có sẵn trong đất, trong phân và một phần theo gió mà phát tán đi khắp nơi. Gặp môi trường giàu chất dinh dưỡng lại thường xuyên có độ ẩm lý tưởng, hột cỏ ra sức nẩy mầm và cứ thế mà sinh trưởng tốt. Đó là lý do tại sao ở những vùng trồng cây kiểng, hoa màu lại có nhiều cỏ dại mọc đầy.

Việc tận diệt hết cỏ dại trong vườn mai là việc cần làm thường xuyên, vì càng để lâu càng bất lợi. Điều bất lợi dễ thấy là càng để dây dưa cỏ dại càng phát triển thêm nhiều, tranh ăn hết chất bổ dưỡng của cây trồng. Điều bất lợi thứ hai là đa số cỏ dại đều là thứ cây ngắn ngày, ra hoa kết trái sớm, cho nên để lâu không nhổ bỏ hột cỏ sẽ rơi rụng xuống đất lại càng khó diệt hơn. Do lẽ đó, nếu vườn mai rộng, ta nên tổ chức nhổ cỏ theo định kỳ hằng tháng. Hoặc nếu chỉ trồng đôi ba liếp hoặc chỉ năm ba chậu trở lại thì việc này nên cập nhật hóa tốt hơn.

Hằng ngày, kết hợp với việc tưới nước, hễ thấy bóng dáng cỏ dại xuất hiện ở gốc mai, chậu mai nào là ta tiện tay nhổ bỏ hết. Nên nhổ cỏ dại bằng tay theo cách “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc” như kinh nghiệm của người xưa truyền lại cho chúng ta. Chỉ siêng năng làm theo cách đó ta mới hạn chế được tối đa sức phát triển của cỏ dại trong vườn mai kiểng của mình.

Phòng trừ sâu rầy hại mai

Phòng trừ các loại sâu rầy phá hại cây mai kiểng cũng là việc cần phải lưu tâm thường xuyên. Hằng ngày, kết hợp với việc tưới nước, ta nên quan sát từng cây mai một để xem sự sinh trưởng của nó có vấn đề gì không. Vì khi đã bị sâu rầy tấn công thì ít ra một vài bộ phận trên thân cây mai cũng bị thương tổn ít nhiều, dẫn đến sự mất sức của cây. Ly Tuy giống mai có sức đề kháng cao và nhờ đó nó mới có sức sống dẻo dai, sống thọ hơn trăm năm tuổi, nhưng cây mai cũng dễ bị vàng vọt, còi cọc, suy yếu vì sâu rầy tác hại. Có cây còn bị chết khô trong một thời gian ngắn bởi loài sâu nhỏ chỉ bằng cọng chân nhang!

Ngoài sâu rầy ra, cây mai còn bị các giống côn trùng và nấm tác hại nữa. Trong tập sách này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến cách phòng trị một số ít bệnh mà cây mai kiểng thường gặp phải do côn trùng, sâu rầy và nấm gây hại cho nó.

Bệnh cháy lá mai: Có thể nói mà không sợ lầm, chỉ nhìn vào tán lá của cây mai không thôi ta cũng có thể đoán đúng được ít ra cũng chín phần mười về sức khỏe của cây mai đó ra sao. Với cây mai mà tất cả các lá đều xanh tươi mơn mởn, có độ bóng mướt thì chắc chắn cây đó đang độ sung sức, tươi tốt. Ngược lại, cây mai nào mà bộ lá trên cây đều vàng úa, ở phần đuôi lá và rìa lá bị queo khô thì đích thị cây đó đang bị suy yếu vì tật bệnh…

Bệnh cháy lá của cây mai có thể xảy ra bất cứ tháng nào và mùa nào trong năm. Bệnh thường không làm cho cây bị chết, nhưng vực cho cây sống mạnh trở lại đòi hỏi phải có thời gian. Triệu chứng dễ thấy nhất của bệnh cháy lá là nhiều lá trên cây có hiện tượng vàng lúa như lá già sắp rụng, cuối đuôi lá và rìa phiến lá bị khô và quăn queo lại. Phần bị khô này sẽ lan dần hết phiến lá và lá rụng dần.

Có nhiều nguyên nhân sinh ra bệnh cháy lá của cây mai. Và đa số những nguyên nhân này thường không do thiên tai, dịch hại mà là do sự thiếu chăm sóc chu đáo của người trồng. Chẳng hạn, đã lâu ngày quên tưới nước cho cây, nhất là trong các tháng nắng hạn khiến đất trồng khô cằn, rễ không thể hút đủ muối khoáng để nuôi dưỡng cây dẫn đến thân cành khô héo, lá vàng úa. Thế nhưng, nhiều trường hợp tưới nước quá nhiều cũng không phải là điều tốt. Tưới nhiều mà không kiểm soát các lỗ thoát nước trổ dưới đáy chậu kiểng có thông hay không, hoặc để nước tràn lên mặt liếp một hai ngày mà không hay mương rãnh bị bịt nghẽn…

Cây mai sống trong môi trường trương nước như vậy độ một hai ngày thôi cũng xảy ra hiện tượng vàng lá do bộ rễ bên dưới đã bị úng thúi.

Cũng có trường hợp do bón phân hóa học quá lượng cần thiết, lại bón gần gốc mai. Hay do tầng đất mặt của chậu kiểng bị đóng váng lâu ngày, do nước tưới làm cho đất bị dẽ dần xuống đóng thành khối cứng nên đất trồng thiếu dưỡng khí khiến cây yếu sức dần vì thiếu nhựa nuôi cây, nuôi lá…

Mai bị vàng lá còn có nguyên nhân do nấm tác hại. Trong môi trường ngập úng, các bào tử nấm, bào tử vi khuẩn và tuyến trùng trong đất có cơ hội phát triển mạnh rồi tấn công bộ rễ khiến cây mất sức và lá vàng úa. Ngay việc phun xịt thuốc trừ nấm trừ sâu rầy quá liều lượng cho phép cũng dẫn đến cháy lá mai kiểng.

Tóm lại, cây mai bị cháy lá do nhiều nguyên nhân. Và nhờ nắm rõ được nguyên nhân của căn bệnh đó nên ta mới dễ dàng tìm được những phương cách phòng trừ bệnh này hữu hiệu hơn.

Trừ sâu đục thân: Sâu hại cây mai chỉ có mấy loài, chuyên ăn lá non và đọt mai non. Riêng sâu đục thân thì hại thân cành, được nhà vườn đánh giá là giống sâu tai hại nhất, vì chỉ cần một vài con sâu xâm nhập cây mai sẽ chết khô trong một thời gian ngắn.

Con sâu đục thân không lớn, nó chỉ bằng cọng chân nhang, và dài chừng 1 cm mà thôi, nhưng có ngàm mạnh đủ sức nghiền nát các thớ gỗ của thân, cành cây mai và ăn luồn vào lõi gỗ thành đường dài ngoằn ngoèo cắt đứt hẳn các mạch dẫn nhựa khiến cây bị kiệt sức dần và chết khô.

Loại sâu này đẻ trứng ở các kẽ nứt ở vỏ thân, vỏ cành mai (và một số giống cây ăn trái khác). Trứng nở thành sâu non. Sâu non sống bằng cách tự đục khoét một lỗ nhỏ trên lớp vỏ cành hay thân cây mai rồi cứ khoét dần sâu vào trong lõi gỗ. Do cách phá hại của sâu đục thân ở trong lõi cây nên nếu sơ ý ta không tài nào phát giác được chúng. Và khi cây đã có hiện tượng héo lá ở cành nào hay toàn lá thì lúc đó có tìm ra lỗ sâu đục để tận diệt thì thường đã quá muộn rồi.

Do lẽ đó, ta nên tự tập cho mình thói quen: mỗi khi có dịp đứng gần cây mai kiểng, ta nên quan sát kỹ thân cành một lượt để may ra phát giác được kịp thời sự xuất hiện của loài sâu này mà tận diệt ngay. Hễ thấy chỗ nào ngoài vỏ cây mai có một lỗ nhỏ mà chung quanh miệng lỗ có một nhóm nhỏ bột gỗ mịn như mạt cưa do sâu trong lỗ đùn ra thì đó chính là nơi sâu đục thân xâm nhập.

Nếu nơi đó là cành đã có hiện tượng héo rũ thì nên cưa bỏ để cứu những cành còn lại. Còn nếu đó là cây mà toàn tán lá đã héo thì cũng nên đốn bỏ hẳn cây mai đó để cứu những cây mai khác trong vườn. Các cành và cây đã bị sâu đục thân tàn hại nên đem ra một nơi xa đốt bỏ để trừ tuyệt chúng. Riêng những cành hay cây mai nào liệu chừng có thể cứu được thì nên cứu chữa ngay bằng cách dùng mũi dao nhọn khoét lỗ sâu đục rộng ra, sau đó lấy móc kẽm luồn sâu vào đường sâu đục để móc con sâu ra giết chết. Một cách khác là dùng thuốc Dimecron hay Politrin 0,2% bơm thẳng vào lỗ sâu đục, sau cùng lấy đất sét bịt kín miệng lỗ lại để con sâu ngộ độc thuốc mà chết.

Cách phòng ngừa là dùng các thứ thuốc vừa kể phun xịt khắp các bộ phận từ gốc đến thân cành mai theo định kỳ ba tháng một lần cũng đem lại kết quả tốt.

Trừ bọ trĩ và nhện đỏ: Muốn biết hai loại côn trùng này có xuất hiện trên cây mai kiểng hay không ta chỉ cần quan sát phần đọt mai là rõ. Vì hai giống này thích ăn trụi lá mai non hay hút nhựa ở đọt mai mà sống. Nếu phát giác ra chúng, nên dùng một trong các loại thuốc sau đây để phun xịt ngay trên khắp các ngọn cành: Lananate, Confidor… Chịu khó xịt thuốc từ dưới mặt lá mới hiệu nghiệm, vì ban ngày những giống này thường sống ẩn núp ở dưới mặt lá non.

Bọ trĩ còn có tên là rầy lửa, thân mình nhỏ bám chi chít vào các lá non của đọt mai để ăn trụi hết lá non và chồi non. Ban ngày, bọ trĩ trốn dưới mặt lá, chỉ ban đêm mới xuất hiện bu kín các đầu đọt. Nhện đỏ có thân màu đỏ, quan sát kỹ mới thấy được chúng. Giống này chuyên hút nhựa lá mai non mà sống. Chúng còn giăng tơ quấn các lá non đầu đọt lại khiến cành bị thui chột, không phát triển được.

Phòng trừ nấm hồng: Người trồng mai kiểng ai cũng “ngại” gặp phải nấm hồng trong vườn mại của mình, vì tác hại của nó không kém gì sâu đục thân: cây hay cành mai nào bị nấm hồng xuất hiện mà không trừ khử kịp thời cũng chết khô vì hết nhựa.

Nấm hồng không tấn công vào bộ rễ mai ở dưới đất mà ngay trên thân, trên cành, nơi có lớp vỏ bị nứt nẻ. Lúc nấm hồng mới xuất hiện, chúng chỉ là những đốm màu hồng nhỏ nên nếu sơ ý ta khó phát giác được. Khi những đốm này lan rộng ra thành những đám màu hồng thì cũng là lúc cành mai đó hay cây mai đó đã chết khô vì hết nhựa sống. Nên cắt bỏ những cành và cây khô đó rồi đem ra khỏi khu vực trồng mai đốt bỏ.

Diệt nấm hồng trên thân cây mai bằng cách hễ phát giác chúng xuất hiện ở nơi nào trên thân hay cành mai thì dùng bàn chải đánh răng chà xát mạnh cho nấm bong tróc ra hết, sau đó bôi thuốc Bordeaux lên nhiều lần, nhiều ngày là tận diệt được. Ta có thể phòng trừ bằng cách phun xịt thuốc diệt nấm Rovral 50 WP với nồng độ 0,2%. Đồng thời tạo tán lá cây mai cho gọn nhẹ, vì kinh nghiệm cho thấy đa số những cây mai có tán lá rậm rạp thường bị nấm hồng tấn công. Ngay đất trồng mai quá ẩm ướt cũng vậy.

Tránh úng ngập cho mai

Mai thích hợp với vùng đất cao ráo và không chịu úng ngập. Vì vậy, nếu trồng mai ngoài vườn cần phải lên liếp cao, và chung quanh có mương rãnh thoát nước tốt để lúc triều cường cũng như mùa mưa không bị ngập úng. Những vùng thấp trũng, như nhiều nơi ở Thủ Đức, Hóc Môn… nên gia cố bờ bao thật kỹ chung quanh vườn mại trong mùa nước lớn. Có làm được như vậy ta mới cứu được vườn mai tránh bị úng ngập, thoát được thiệt hại nặng nề. Mai trồng chậu, tuy lượng nước tưới mỗi gốc không nhiều, nhưng nếu lỗ thoát nước dưới chậu bị tắc nghẽn mà không phát giác kịp thời để khai thông, thì vài ngày sau cây mai quí đó cũng chết héo vì thúi bộ rễ…

Tóm lại, việc chăm sóc cây mai trong những tháng sau Tết và trước Tết tuy không có gì đặc biệt, nhưng nếu vì một lý do nào đó khiến ta lơ là trong công việc tưới bón, chăm sóc để cho các loài côn trùng và sâu rầy xâm nhập thì thiệt hại sẽ không nhỏ. Nếu mỗi ngày chịu khó bỏ ra độ vài ba phút chăm sóc cho mỗi cây thì chắc chắn ta sẽ giúp cho cây mai sinh trưởng tốt hơn, hứa hẹn một mùa hoa Tết sai nụ và tươi sắc hơn…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *