Trước khi bàn về cách đánh giá một cây mai đẹp ra sao, thiết nghĩ chúng ta nên đề cập sơ qua đến cái thú chơi và thưởng ngoạn cây kiểng của người Á Đông nói chung và người Việt Nam mình nói riêng ra sao. liệu điều này có khác với quan niệm chơi kiểng của các nghệ nhân phương Tây hay không?

Thú chơi và thưởng ngoạm câu kiểng của người Âu Mỹ

Người phương Tây nói chung, từ một vài thế kỷ trở về trước họ cũng rất thích chơi kiểng. Lý do đơn giản là họ cũng muốn được sống gần gũi với thiên nhiên. Những nghệ nhân chuyên nghiệp lẫn tài tử này cũng cố lặn lội tìm tòi những giống cây quí hiếm và lạ lẫm có sẵn tại địa phương, hoặc săn tìm từ những châu lục xa xôi khác, dù nơi đó là khu rừng rậm nguyên sinh, hay vùng sa mạc hoang vu ít người lui tới.

Do thời này đất rộng người thưa, nên dù sống nơi phồn hoa đô hội mà nhà nào cũng có khoảnh đất đai dự thừa, có vườn tược rộng rãi để trồng một số cây kiểng.

Cái thú chơi kiểng của người thời này là chỉ thích trồng loại kiểng lớn trong vườn nhà để tương xứng với khu nhà cửa khang trang và dinh thự to lớn của họ. Tất nhiên với kiểng lớn này không thể trồng chậu mà trồng thẳng ra đất vườn. Các giống cây Thích (Japonicum), Tuyết tùng (Cadrus), Thông (Pinus) Thông rụng lá (Larix)… đều được trồng phổ biến nhiều nơi.

Ngay giống Xương rồng, họ cũng chỉ chọn trồng những giống có thân cao to từ vài ba mét đến năm bảy mét như các giống Euphorbia, Antiqorum, Ferocactus Wedzenii… Nhưng, từ giữa thế kỷ 19 trở về sau này, nhất là những năm đầu của thế kỷ 20, ý thích trồng loại kiểng lớn của giới nghệ nhân chơi kiểng Âu, Mỹ, dù có muốn cũng ít người có khả năng thực hiện được. Lý do là vào thời này mật độ đô thị dân ở đâu cũng tăng cao đột ngột, vì vô số dân quê rủ nhau đổ xô về các thành phố để tìm kế mưu sinh nên đường sá được mở mang nhiều thêm, rộng thêm, và nhà cửa thì thi nhau mọc lên như nấm. Ngay các nhà trệt cũng xây lên cao tầng, như vậy mới đáp ứng được nhu cầu nhà ở cấp thiết cho dân nhập cư.

Như vậy thì đâu ai còn thừa thải đất đai để lập vườn tược rộng mênh mông như trước nữa! Từ đó mọi người mới bắt đầu “làm quen” với loại kiểng nhỏ trồng trong chậu, trong đó có kiểng Bonsai. Nghệ thuật chơi loại kiểng lùn Bonsai đã được thịnh hành ở nhiều nước Á Châu như Trung Quốc, Nhật Bản… từ gần chục thế kỷ trước, nhưng mãi đến đầu thế kỷ thứ 20 vừa qua các nghệ nhân chơi kiểng phương Tây bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu và không ngờ bị thu hút vào cuộc nhanh chóng.

Vì rằng, các loại kiểng nhỏ trồng trong chậu trẹt này người ta có thể chưng ngoài lan can, treo trước hiên nhà, hoặc đưa hẳn vào tận phòng khách, phòng ngủ… Với năm ba chậu kiểng nhỏ như vậy đâu chiếm nhiều diện tích để chưng bày?

Và, chính vào thời điểm “tấc đất tấc vàng” này đã thúc đẩy nghề làm kiểng giả ra đời với nhiều kiểu dáng và màu sắc giống như cây thật, giúp người ở nhà cao tầng chật chội, và những người không có thì giờ rồi rành vì cả ngày phải bận rộn tất bật với việc mưu sinh vui thú mua về trưng bày, mà hằng ngày khỏi phải chăm sóc tưới bón! Tuy là kiểng giả nhưng giá bán thường cao hơn kiểng thật… Bàn về thú chơi và cách thưởng ngoạn cây kiểng của người phương Tây, nhiều người nhận xét rằng họ chơi kiểng chỉ nhằm vào mục đích làm vật trang trí cho vườn cảnh hay cho phòng khách là chính. Họ chỉ chú trọng nhiều đến màu sắc của cành lá tươi tốt, của dáng cây ngoạn mục và giống kiểng càng la càng hấp dẫn.

Nói cách khác, đối với người phương Tây, chậu kiểng chỉ đóng vai trò một bức tranh quí, hay như một món đồ vật nào đó có giá trị, rồi được chưng bày theo một góc độ hợp lý nhất cốt sao cho làm nổi bật được giá trị thẩm mỹ của toàn cảnh là đã đạt yêu cầu của người trồng rồi.

Thú chơi và thưởng ngoạn cây kiểng của người Việt mình ra sao?

Như quí vị đã biết, khoảng 100 năm trước Công nguyên, người Trung Hoa đã sáng tạo ra được một thứ nghệ thuật độc đáo, mà suốt một thời gian dài khoảng 15 thế kỷ, được thế giới đánh giá là “vô tiền khoáng hậu”, đó là Penjing. Penjing được biết đến với nhiều tên gọi như “bồn tài” “bồn ngoạn”, rồi “bồn thụ” là nghệ thuật thu nhỏ phong cảnh hoành tráng bên ngoài thiên nhiên vào một bồn cảnh nhỏ gọn mà vẫn giữ được những đường nét tự nhiên, khiến người khó tính đến đâu khi nhìn vào cũng phải hết lời trầm trồ khen ngợi.

Nhưng đến khoảng thế kỷ thứ mười hai, nhiều nghệ nhân hoa kiểng tài hoa của Nhật đã góp công lớn “biến cải” Penjing thành kiểng Bonsai, là loại kiểng trồng trong chậu cạn, còn gọi là kiểng lùn mang phong thái riêng biệt của Nhật, và nhanh chóng được giới chơi kiểng trên thế giới đặc biệt ưa chuộng. Vì rằng, cây Bonsai đã mang được đúng những kiểu mẫu của các cây mọc trong thiên nhiên vào trong chậu cạn, khay trẹt, bằng kỹ thuật riêng nên mới dễ dàng mang lại cảm xúc gần gũi đối với giới thưởng ngoạn.

Còn tại nước ta, phong trào kiểng Bonsai tuy mới rầm rộ cách đây khoảng năm sáu thập niên thôi nhưng sự ham thích trong giới trồng và chơi kiểng ngày càng tăng. Đó của là một điều mừng. – Nói chung, thú chơi cây kiểng ông cha mình đã biết đến cả ngàn đời nay, có thể ngay vào thời dân mình bị Trung Hoa đô hộ suất ngàn năm (từ năm 2007 trước Công Nguyên đến năm 938 sau Công Nguyên)(?) Nhiều người đưa ra giả thuyết là trong thời kỳ Bắc thuộc, thế nào các viên chức người Việt cũng có dịp lui tới Trung Hoa và chính họ đã đem nghệ thuật trồng kiểng Penjing về rồi âm thầm truyền bá cho nghệ nhân trong nước bắt chước làm theo…

Mà thực tế cũng chứng minh điều đó: nghệ thuật trồng và uốn sửa kiểng của ta từ xưa đến nay cũng có ảnh hưởng phần nào đến các môn nghệ thuật thần kỳ Penjing của Trung Hoa và cả Bonsai của Nhật Bản. Điều giúp chúng ta dễ nhận biết đến điều này là khi nghiên cứu đến nghệ thuật uốn sửa kiểng cổ và kiểng thế ta thấy người xưa cũng chú trọng rất nhiều đến cách kìm hãm tối đa đà tăng trưởng của cây để cây trồng trong chậu có thân nhỏ bé lại cho hợp với khung cảnh sống mới chật hẹp của nó. Cách làm kế đó là lão hóa cây trồng tạo cho cây kiểng mang những đường nét già nua của cây cổ thụ sống lâu ngoài vùng hoang dã.  Rồi đến cách uốn sửa cây theo các thế căn bản.

Bao nhiêu điều đó cũng đủ cho ta thấy nghệ thuật trồng và uốn sửa kiểng của ta có chịu ảnh hưởng ít nhiều đến nghệ thuật bồn cảnh Penjing và cả Bonsai. Tất nhiên, chúng tôi không thể phủ nhận, trái lại còn tự hào ở chỗ tiền nhân mình đã tạo được phong thái riêng trong nghệ thuật trồng và thưởng ngoạn kiểng: đó là tạo cho mỗi cây kiểng có một sắc thái triết lý về đạo hay về đời.

Như trên đã nói, người Âu Mỹ đa số trồng và chơi kiểng chỉ chú trọng đến phần hình thức, tức phần thực dụng là chính. Còn nghệ nhân hoa kiểng của ta khi trồng kiểng ngoài việc tạo cho cây kiểng có hình dáng đẹp, họ còn ngầm ký thác vào đó một tâm sự, một chí hướng, có khi là một sắc thái triết lý về Đạo hay Đời của mình một cách kín đáo. Phía người trồng đã vậy, còn phía người xem ngày nay cũng đã đạt được đến trình độ hiểu biết cao siêu, nếu không hơn cũng không hề thua kém một dân tộc nào khác trên thế giới.

Khi ngắm kiểng chỉ cần người thưởng ngoạn có chút hiểu biết về nghệ thuật trồng kiểng, kèm theo vốn sống và nhiều xúc cảm thì đều dễ dàng phát hiện ít nhiều (tùy vào trình độ hiểu biết của mỗi người) về những điều kỳ diệu mà người trồng đã ngầm ký thác vào “tác phẩm nghệ thuật của họ. Đây cũng được xem là cách “văn dĩ tải đạo” mà các nhà văn nhà thơ xưa nay thường làm. Đây thực sự chính là phần hồn của cây kiểng. Và mức độ giá trị cũng như ma lực thu hút ít hay nhiều của cây kiểng cũng xuất phát từ đây…

Do lẽ đó, việc nhìn ngắm cây kiểng để đánh giá sự tốt xấu ra sao còn tùy thuộc vào trình độ hiểu biết của từng người thưởng ngoạn. Và, việc này dứt khoát đòi hỏi phải có sự cân nhắc cẩn trọng, như vậy mới đạt được lời bình phẩm xác đáng. Không được cho phép mình dễ tính theo cách làm của kẻ rổi rảnh “cưỡi ngựa xem hoa” để rồi khen chê tùy hứng. Những nghệ nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề không ai tự cho phép mình làm như vậy cả.

Xin được bàn rộng thêm một chút: đối với những người thích trồng và chơi kiểng thì việc ngắm kiểng được coi là một thú vui đặc biệt đối với họ.Cùng ngắm kiểng với nhiều người “đồng điệu” lại càng vui nhộn hơn. Mặc dầu có thể lúc đầu gặp cảnh “năm người mười ý”, nhưng kết cuộc cũng định ra được giá trị thấp cao ra sao. Vì vậy, xưa nay trong lúc “trà dư tửu hậu” mà đem chuyện kiểng ra bàn thường cũng “xôm tụ” không thua kém gì nói chuyện “gà nòi” hay về một loại hình nghệ thuật nào khác!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *