Cây kinh giới là một loại rau thơm được sử dụng để ăn kèm hoặc làm gia vị để tăng mùi vị cho món ăn. Loại rau thơm này rất được ưa chuộng trong các bữa ăn của gia đình Việt, không chỉ ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe.

Đặc điểm của cây kinh giới

Cây kinh giới thường sống ở khu vực đồi núi, đất bỏ hoang, bờ sông suối, hoặc những nơi có nhiều nắng. Kinh giới có nhiều tên gọi khác nhau như khương giới, giả tô, bài hương thảo, bán biên tô,… Ở Việt Nam, kinh giới thường được trồng ở các vườn rau, ăn sống cùng các loại rau thơm khác như quế, tía tô, xà lách,… .

Cây kinh giới thuộc cây thân thảo, có thân vuông, thân cây mọc thẳng, phát triển sẽ chia nhiều nhánh nhỏ, bên ngoài được bao phủ bởi một lớp lông mềm mịn, chiều cao trung bình của mỗi cây kinh giới từ 25 đến 50 cm. Lá cây mọc đối xứng, bầu ở phần gần cuốn, nhọn dần về đỉnh đầu, tựa hình trái tim, dọc 2 bên mép lá có hình răng cưa, bề mặt lá có các đường gân lộ rõ, có màu xanh đậm ở cả 2 mặt lá. Cây kinh giới có ra hoa nhỏ, màu tím nhạt, không có cuốn hoa, mọc thành từng cụm ở đầu đầu nhánh cây, quả của cây nhỏ, nhẵn bóng.

Cây kinh giới vừa được dùng để làm gia vị, thức ăn, vừa được dùng để làm các loại thuốc điều trị một số bệnh thường gặp như cảm cúng, ho, dị ứng, cầm máu…. Không những thế, người ta còn nghiên cứu ra được, bột kinh giới khô được sử dụng để đắp mặt nạ trị mụn, sáng da. Ngày nay, người ta nghiên cứu được thành phần trong kinh giới có khả năng chống ô xi hóa cao, có khả năng phòng chống và điều trị bệnh ung thư, tuy nhiên nghiên cứu này mới được tiến hành thí nghiệm trên cơ thể động vật, chưa có kết quả nghiên cứu trên cơ thể con người.

Cây kinh giới có nhiều tinh dầu hơn các loại rau thơm khác. Đa số được người ta dùng ăn sống, thường được ăn kèm với những món ăn nặng mùi như bún bò, bún đậu mắm tôm, bánh tráng cuốn thịt luộc chấm mắm nêm,…

Cách trồng và chăm sóc cây kinh giới

Cách trồng và chăm sóc cây kinh giới cũng khá dễ dàng, bạn có thể tham khảo chuẩn bị các bước sau:

Đất trồng: cây phát triển tốt nhất ở loại đất thị nhẹ, độ PH trung bình từ 6 đến 7. Đất có thể mua tại các siêu thị bán cây trồng hoặc có thể pha trộn đất có sẵn nhà bạn, với phân chuồng hoai mục, xơ dừa, mùn hữu cơ,… đảm bảo đất có đủ dinh dưỡng và khả năng thoát nước tốt, thông thoáng khí.

Giống cây trồng: dù trồng bất kể loại cây nào, bạn đều nên lựa chọn mua hạt giống tại các cửa hàng hoặc siêu thị hạt giống để đảm bảo hạt có tỷ lệ đậu mầm cao. Hoặc có thể xin hoặc mua cây con đã được ươm mầm sẵn, trồng sẽ nhanh đạt kết quả hơn.

Trồng cây, gieo hạt: tỷ lệ nảy mầm của kinh giới rất cao, trên 90%, rải hạt giống trên nền đất đã chuẩn bị sẵn, sau đó phủ lên một lớp đất hoặc tro, trấu mỏng, để bảo vệ hạt giống trước những sinh vật gây hại, có thể ăn mất hạt giống trước khi nảy mầm. Sử dụng vòi phun sương, để làm ẩm đất, ủ hạt giống, tưới lượng vừa phải. Sau khoảng 7 đến 10 ngày thì hạt sẽ nảy mầm. Sau khi cây con lên được 30 ngày, thì bứng cây con ra trồng ở khu vực đất chuẩn bị trước, khoảng cách trồng giữa các cây con là 20 đến 30 cm. Nên bứng cây trồng vào lúc trời mát, tốt nhất là buổi chiều có sự cân bằng nhiệt độ môi trường và đất để trồng.

Tưới nước: khi vừa trồng cây con cần thường xuyên tưới nước một ngày 2 lần để cây nhanh bén rễ. Nên tưới nước vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều tối. Trời nắng gắt thì có thể xem tình trạng độ ẩm của đất để tưới thêm. Trời vào mùa mưa thì cần chú ý độ thoát nước của đất, nếu độ ẩm quá cao, cây dễ bị úng chết.

Ánh sáng: cây kinh giới thích nơi có ánh sáng tốt, bạn nên trồng ở nơi cây có thể đón được ánh sáng mặt trời, hoặc bán ánh sáng để đảm bảo cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt.

Bón phân: sau khi chuyển trồng cây con được 2 tuần thì nên tiến hành bón lót cho cây con, nên bón bằng phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục như phân bò, phân dê, phân trùng quế. Thực hiện bón lót cho cây đều đặn 2 tuần 1 lần, đồng thời kết hợp nhổ sạch cây cỏ để cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt.

Thu hoạch và cắt tỉa: sau khi trồng cây con khoảng hơn tháng, thì bạn có thể cắt ngọn ăn dần. Thời điểm cây ra hoa, kết quả cần cắt tỉa hết phần hoa đi, để cây có đủ dinh dưỡng, nuôi dưỡng những cành non mới nảy mầm ở các nách lá hoặc ngay phần được cắt ngang. Sau mỗi lần cắt tỉa bớt cành già ra hoa, cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cây.

Cây kinh giới có nhiều đặc tính ứng dụng trong đời sống cao, nên được trồng khá nhiều. Với kỹ thuật trồng và chăm sóc cây kinh giới cơ bản ở bài viết trên sẽ giúp bạn trồng được loại rau thơm vừa có thể ăn ngon vừa có tác dụng chữa bệnh này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *